Xây dựng 'văn hóa cao tốc'

Quang Ngọc 04/01/2022 11:00

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số100/2019/NĐ-CP  lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trong đó, Nghị định bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Điều 23 xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.

Cùng đó, Nghị định 123 cũng bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 Điều 24 phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc.

Đây là điểm mới rất đáng chú ý nhằm siết chặt kỷ luật kỷ cương với loại hình vận tải trên các tuyến cao tốc.

Việc ô tô khách tùy tiện dừng đỗ “bắt” khách, chuyên chở hàng hóa từ lâu rất phổ biến, đến nỗi nhiều người cho rằng đó không phải là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cả khách lẫn lái xe đều “tự nhiên” vi phạm: Khách tiện đâu đứng đó vẫy xe, còn lái xe cũng sẵn sàng tấp ngay vào lề đường “vợt” khách, bất chấp quy định và rất có thể dẫn tới tai nạn giao thông.

Điều đó dẫn tới sự lộn xộn trong vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đặc biệt dẫn tới nguy hiểm khi diễn ra trên cao tuyến cao tốc, khi tốc độ các phương tiện thường là rất lớn.

Thời gian qua, trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Hải Phòng... xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, các phương tiện vận tải bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân chính thuộc về lái xe đã vi phạm luật giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, đột ngột dừng đỗ, đột ngột chuyển làn, không chú ý quan sát. Đó là chưa kể một số lái xe đường dài sử dụng chất kích thích không làm chủ được tay lái.

Về phía hành khách, cũng không ít người chỉ bởi để thuận tiện không muốn vào bến bãi đã vẫy xe ngay trên cao tốc. Họ không nghĩ rằng đó là điều rất nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho cả các phương tiện vận chuyển, những người trên phương tiện đó. Tốc độ cao, tách làn và dừng đột ngột của ô tô phía trước khiến các xe phía sau đang lao nhanh rất khó xử lý, dẫn tới tai nạn.

Dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên nhưng những hành vi ấy vẫn diễn ra. Chỉ bởi chế tài không nghiêm, rõ hơn là mức xử phạt hành chính với những hành vi ấy quá nhẹ so với hậu quả có thể xảy ra. Vì thế, bổ sung mức phạt và nâng số tiền phạt với hành vi ấy của lái xe khách lẫn lái xe chở hàng hóa với mức phạt từ 10 đến 12 triệu đồng là cần thiết.

Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, nếu chỉ xử phạt lái xe vi phạm là chưa đủ, mà còn cần xử phạt cả hành khách, chủ hàng hóa khi vi phạm trên đường cao tốc. Suy cho cùng, họ chính là “khởi đầu” của lỗi ấy.

Đất nước ngày một phát triển, hệ thống đường cao tốc sẽ ngày một nhiều hơn. Nếu không xây dựng được hành vi thích hợp thực hiện nghiêm giao thông trên đường cao tốc thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn. Người ta thường nói về văn hóa khi tham gia giao thông, thì với đường cao tốc, văn hóa ấy lại càng quan trọng.

Nhìn rộng ra, vi phạm luật lệ giao thông ở ta suốt nhiều năm qua là rất nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều nơi nhiều lúc, với số người chết mỗi năm do tai nạn giao thông là rất lớn. Năm 2021 là năm ít tai nạn giao thông nhất trong vòng 10 năm (do nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19 nên mật độ tham gia giao thông giảm mạnh), nhưng cũng xảy ra tới 11.000 vụ, làm chết 5.600 người. Một con số thật kinh hoàng.

Trở lại với Nghị định 123 của Chính phủ bổ sung mức phạt với lái xe (người điều khiển phương tiện giao thông) khi vi phạm trên đường cao tốc, xin được nhắc lại cũng cần nghiên cứu, bổ sung mức phạt đối với hành khách (người sử dụng dịch vụ giao thông), để ngăn chặn hậu họa có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng 'văn hóa cao tốc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO