Cùng với việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa, lịch sử quê hương đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế và kiều bào tại Pháp, thì nghệ thuật Cải lương, Đờn ca tài tử đã góp phần đóng góp không nhỏ, nhất là kể từ khi Đờn ca tài tử nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế vào năm 2013.
Nói đến các nghệ sĩ Cải lương tại Pháp, chúng ta không thể không nhắc đến Trúc Tiên và Thi Mai, các chị là những nghệ sĩ kiều bào điển hình, mang tính “nghiệp dư”, bởi các chị vẫn phải kiếm sống bằng một nghề khác tại Pháp. Vì niềm đam mê Cải lương, yêu thích lịch sử và bộ môn nghệ thuật này mà họ đã cố gắng tập luyện cùng bạn bè để dàn dựng những vở, những đoạn trích mang đậm dấu ấn các thời kỳ lịch sử oai hùng oanh liệt của Việt Nam qua những nhân vật ưu tú của dân tộc hoặc những câu chuyện dân gian đã đi vào huyền thoại, hoặc những điển tích. Đương nhiên, để thực hiện được chương trình, các nghệ sĩ kiều bào cần đến sự giúp đỡ của các nghệ sĩ từ TP HCM. Đôi khi đến trực tiếp để tham gia vở diễn, khi khác lại là những lời cố vấn từ xa.
1. Nghệ sĩ Trúc Tiên sang Pháp từ khi còn rất nhỏ, chị từng là học trò cưng của GS Trần Văn Khê. Cùng với thời gian, ngoài các đoạn trích và vở ngắn, chị đã được các đàn anh đàn chị ở Việt Nam phụ giúp đã dựng trọn vở “Lục Vân Tiên”. Sân khấu Studio Raspail tại quận IV hôm đó đã chật cứng khách xem. Vở diễn đã được thực hiện với các nhạc công đến từ Việt Nam và Pháp cùng dàn diễn viên tài tử kiều bào Pháp, có người ham thích cải lương và đờn ca tài tử mà học tiếng Việt. Vở diễn được dàn dựng khá công phu và được các diễn viên diễn rất nhiệt tình và đầy hứng khởi trên sân khấu. Vở diễn được chia thành tám màn với các điệu đàn ca tài tử riêng biệt như Vân Tiên xuống núi được ca theo điệu phú lục, đây là một trong 20 bài tổ của Đờn ca tài tử. Màn Vân Tiên thọ nạn lại được diễn suất theo điệu Đảo ngũ cung. Các màn khác thì luôn được xen kẽ giữa cải lương và vọng cổ, ngâm thơ.
Khán giả đều rất hứng thú được xem một màn sân khấu Việt-Pháp. Chị Cung Thị Ngọc Phượng, một khán giả kiều bào tại Pháp vẫn còn rất xúc động sau khi màn diễn đã kết thúc: “Lần đầu tiên tôi được xem Đờn ca tài tử Lục Vân Tiên. Cái hay của Trúc Tiên là kết hợp được tất cả các bài bản cải lương, những bài bản cổ mà làm ra được một tác phẩm Lục Vân Tiên như vậy thì tôi thấy rất hay, rất khâm phục”. Chị nói tiếp: “Đem âm nhạc truyền thống Việt Nam đến cho lớp trẻ Việt lớn lên tại Pháp, chịu khó học tiếng Việt và có thể ca được những bản âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đó là một điều rất hay”.
Nữ nghệ sĩ Trúc Tiên trong vai Kiều Nguyệt Nga cũng là một trong những soạn giả cho vở kịch và tổ chức buổi biểu diễn chia sẻ: “Tôi và các bạn đã chuẩn bị vở kịch này từ mấy năm liền. Trước tiên là phải viết kịch bản. Như chị đã biết là ở bên này ai cũng đi làm việc để kiếm sống, nên gặp nhau rất khó, về mặt cải lương lại không có chuyên nghiệp, thế nên quá trình chuẩn bị rất lâu”. Chị cũng cho biết đã được sự ủng hộ của rất nhiều các nhà văn nhà thơ ở Việt Nam chuyên về đờn ca tài tử, giống như nghệ sĩ Văn Môn.
Nghệ sĩ Văn Môn là giảng viên tại Trường Sân khấu điện ảnh TP HCM. Theo anh, với các nhạc công đàn cổ dân tộc Việt Nam thì mỗi chuyến lưu diễn ở nước ngoài phục vụ bà con kiều bào là một niềm hạnh phúc: “Tôi rất sung sướng và hạnh phúc khi được kiều bào người Việt mình cũng như những người Pháp đến ủng hộ vở diễn của chúng tôi hôm nay. Thật là bất ngờ khi tình hình khó khăn của cải lương ở trong nước để có một lượng khán giả đến đầy khán phòng như thế này thì đã khó huống chi là ở Pháp, ngay tại Paris, mà vở diễn của chúng tôi lại được bà con quan tâm đông đảo và đến xem. Đó là một hạnh phúc lớn lao của những người làm nghề như tôi và các bạn đồng diễn. Tôi mong muốn kiều bào ta ở Pháp cũng như ở các nước khác hãy hết lòng ủng hộ âm nhạc dân tộc nói chung và âm nhạc đờn ca tài tử nói riêng. Đó là nguồn động viên lớn lao để chúng tôi tiếp tục bảo giữ nền nghệ thuật của dân tộc”.
2. Mới đây, song song với mùa khai trường, Trung tâm Văn hóa Mandapa, tại quận 13 Paris cũng tổ chức một mùa văn hóa mới. Nhân dịp này, tối ngày mùng 5/9, nữ nghệ sĩ Thi Mai cùng hội Hương sắc Việt Nam đã tổ chức trình diễn những đoạn trích cải lương các tuồng cổ và Hồ quảng như: Hoài vọng xưa, Tâm sự Ngọc Hân công chúa, Tiếng trống Mê Linh, Triệu Thị Trinh khóc tướng Lê Minh và Cát bụi biên thùy… Chương trình thu hút được khá đông khán giả. Nữ nghệ sĩ Thi Mai đã từng theo học nữ NSND Phùng Há tại TP HCM.
Những đoạn trích các tuồng cải lương cổ do Thi Mai thể hiện đều mang đậm dấu ấn một trang sử của dân tộc thông qua các nhân vật lịch sử đã đem lại cho khán giả nhiều xúc động. Sự phối hợp ăn ý giữa nghệ sĩ và người dẫn tuồng cũng góp phần làm đầy thêm ý nghĩa của các đoạn trích trong các vở đã đi vào lòng người mến mộ lịch sử Việt Nam nói chung và Cải lương nói riêng. Ngoài phần nữ nghệ sĩ diễn trên sân khấu, vai trò của người dẫn chương trình trong những buổi trình diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam tại Pháp rất quan trọng. Là một kiều bào sang Pháp từ khi còn rất nhỏ, và tự nhận là nói tiếng Việt chưa giỏi, nhưng bằng sự cố gắng và tình yêu đối với Việt Nam và cải lương, anh Vanna Hải Nguyễn Phước là người dẫn chuyện đã đem đến cho khán giả những khám phá về lịch sử Việt Nam, những giai thoại anh kể về Bà Trưng, Bà Triệu, về công chúa Lê Ngọc Hân, về những nơi anh đã đến trong những lần hồi hương Việt Nam vừa gần gụi vừa thiết thực, dễ đi vào lòng người. Phần dẫn và kể chuyện của anh được thực hiện cả phần tiếng Việt và tiếng Pháp nên khiến khán giả Pháp - Việt đều rất hài lòng: “Bây giờ có nhiều truyền thông nên chúng tôi lên đó để học hỏi thêm về tất cả các nữ Anh hùng của xứ Việt chúng ta. Chúng tôi phải mất hai tháng học vì chúng tôi phải biết những gì cô Thi Mai diễn, vì mỗi bài diễn đã đi vào lịch sử và đó là khoảng khắc nào của lịch sử và tại sao Thi Mai lại diễn phần đó. Chúng tôi muốn dẫn dắt phần diễn của Thi Mai sao cho thật tốt. Phần tiếng Việt cho các đồng bào của Việt Nam và chúng tôi dịch sang tiếng Pháp để phục vụ khán giả Pháp”.
Nữ nghệ sĩ Thi Mai cho rằng nghệ thuật cải lương vẫn còn khá lạ đối với người Pháp nhưng: “Theo tôi thì chúng ta nên phát huy ca nhạc cải lương rộng hơn nữa để cộng đồng người Pháp hiểu thêm về nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam, dẫu hơi mới đối với họ, nhưng dần dần họ sẽ quen”. Chị khẳng định: “Trước hay sau thì tôi vẫn nghĩ nền văn hóa của Việt Nam cũng sẽ được lan truyền đến người Pháp. Họ sẽ tìm hiểu thêm về lịch sử cũng như nền sân khấu của dân tộc Việt Nam. Theo tôi nhận thấy thì nền nghệ thuật này của Việt Nam rất phong phú mà hầu như người Pháp rất quan tâm và trân trọng nên hi vọng rằng trong thời gian tới nền nghệ thuật văn hóa cải lương và hò Quảng cũng như là nền văn hóa của dân tộc Việt Nam càng lan rộng hơn”.
Là khán giả có mặt trong buổi biểu diễn, bà Bùi Thị Cẩm Châu, một kiều bào đã rất xúc động được xem lại những bài cải lương, những tuồng cổ mà bà đã được nghe và ham mê từ khi còn rất nhỏ, “cứ như thể khi vừa được sinh ra đã được nghe, đã được biết”. Và bà đã rất hãnh diện và tự hào khi được biết thêm về lịch sử dân tộc mình: “Các tuồng cổ cải lương đã hát về các nhân vật lịch sử của Việt Nam, làm tôi rất hãnh diện, tôi học hỏi thêm được các trang sử mà nhiều khi đã biết nhưng bị quên lãng. Thế nên tôi rất xúc động, rất tự hào về những hình ảnh mà tôi vừa được xem, rất cảm động. Tôi rất cám ơn chị Thi Mai và Trung tâm Văn hóa Mandapa đã cho tôi có dịp được sống lại những tình cảm Việt Nam.
Ông Claude, một khán giả Pháp thì rất vui khi lần đầu được xem và được nghe và được thấy sự hài hòa của nền âm nhạc này: “Cùng lúc vừa là âm nhạc, âm điệu và lời ca, nhưng trên hết đó là trang phục và những cử chỉ đi đứng và múa của nữ nghệ sĩ Thi Mai. Cô ấy quả là độc đáo. Tóm lại, tôi cảm thấy rất vui, rất thoải mái sau khi được xem buổi trình diễn này, rất đầy đủ, dẫu rất đơn giản nhưng lại đụng chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn con người và sự hoài niệm của cuộc sống”.
Quảng bá và giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài cần một quá trình dài, cần sự kiên nhẫn, nhiệt huyết và lòng đam mê, nhất là trong môn Cải lương và Đờn ca tài tử. Với sự đam mê và sáng tạo, các nghệ sĩ gốc Việt đang dần dần thành công chiếm được cảm tình của khán giả và làm lan tỏa loại hình này tại Pháp. Và họ cũng được đền đáp, bởi vẫn luôn được các khán giả Pháp và kiều bào ủng hộ. Qua đó ta thấy nhiều kiều bào vẫn rất tha thiết với bộ môn nhạc cổ này, tình yêu quê hương Việt Nam vẫn luôn hiện hữu và điều đó chứng minh nền âm nhạc truyền thống vẫn luôn trường tồn. Tổ chức biểu diễn các môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở nước ngoài tức là đã tham gia tích cực vào việc quảng bá văn hóa lịch sử, hình ảnh và đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Một việc làm thật đáng trân trọng.
Paris 9/9/2020