Xét tuyển đại học 2022, thí sinh đỗ thành trượt: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thu Hương 23/09/2022 07:46

Kỳ xét tuyển đại học vừa qua, nhiều thí sinh không khỏi hoang mang, bất ngờ khi rơi vào tình cảnh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không có tên trong danh sách trúng tuyển tại các trường.

Với những nhầm lẫn trong kết quả xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, quyền lợi chính đáng của các thí sinh vẫn được đảm bảo. Ảnh minh họa: Quang Vinh.

Khi tra cứu kết quả tuyển sinh, nhiều thí sinh hoang mang vì đã trúng tuyển sớm, thừa điểm đỗ nhưng vẫn bị hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thông báo trượt. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh, Bộ GDĐT cho biết sẽ cố gắng tạo điều kiện để thí sinh chỉnh sửa cũng như yêu cầu các trường chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các trường có liên quan theo quy định.

Ảnh minh họa.

Nhiều lỗi được phản ánh

Thông tin từ Học viện Ngân hàng cho biết, trường sẽ xem xét đơn kiến nghị của các trường hợp thí sinh đăng ký sai nguyện vọng (NV) ở phương thức xét tuyển sớm vào trường từ ngày 21/9 đến 17h ngày 30/9. Nhà trường dự kiến công bố kết quả xem xét các kiến nghị của thí sinh trước ngày 7/10. Cụ thể, căn cứ dữ liệu của Bộ GDĐT về các thí sinh có dấu hiệu đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, đã đăng ký NV trên hệ thống đúng ngành xét tuyển, nhưng có sai sót về mã phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, Học viện Ngân hàng nhận thấy có nhiều thí sinh đã xảy ra sai sót khi đăng ký NV theo phương thức xét tuyển sớm vào trường. Những thí sinh này đã không trúng tuyển đại học (ĐH) hoặc trúng tuyển vào các NV có thứ tự ưu tiên thấp hơn NV đăng ký vào Học viện với phương thức xét tuyển sớm.

Đây là một trong số nhiều trường nhận được phản ánh của thí sinh về việc gặp lỗi khi đăng ký xét tuyển vào trường. Thí sinh Phạm Minh Cường (Hà Nội) phản ánh sau khi nhận thông báo điểm chuẩn đợt 1, em vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT tra cứu kết quả trúng tuyển và tiến hành các bước xác nhận nhập học thì thấy NV đã đỗ của mình bị lặp lại tới trên 20 lần. Ở các NV trượt không xảy ra tình trạng này. Do đã có kinh nghiệm từ các lần đăng ký, điều chỉnh NV cũng có khi gặp lỗi hệ thống nên Cường bình tĩnh thoát ra đăng nhập lại thì không còn tình trạng lỗi như trên.

Tuy nhiên, với thí sinh N.V.T. (Bắc Giang) đăng ký vào Trường ĐH Nội vụ, đã đỗ với phương án xét tuyển sớm bằng học bạ THPT nhưng hệ thống lại ghi nhận… trượt. “Hai NV đầu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của em không đỗ nhưng với NV thứ 3, em đã chắc chắn đỗ, tuy nhiên trên hệ thống lại hiển thị khác. Em đã liên hệ với nhà trường và được hướng dẫn chờ rà soát. Trong trường hợp nếu sai từ việc nhập tổ hợp hay phương thức xét tuyển của em thì sẽ phải chuyển thành xét tuyển bổ sung, em lo sẽ bị trễ thời gian vì năm nay cũng đã nhập học rất muộn” - thí sinh T. nói.

Nhiều thí sinh khác cũng gặp tình trạng tương tự khi đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng khi các trường công bố danh sách trúng tuyển lại… không thấy tên mình. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, Hệ thống xét tuyển chung mới chỉ ghi nhận lỗi hiển thị và Bộ GDĐT đã khắc phục xong. Thí sinh hoàn toàn yên tâm vì dù có lỗi hiển thị trước đó thì kết quả xét tuyển của các em không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, một số trường hợp các thí sinh nhìn thấy số liệu sai là do trường vẫn đang trong quá trình cập nhật thông tin. Theo yêu cầu của Bộ GDĐT, đến 17h00 ngày 17/9 các trường phải cập nhật xong dữ liệu, nhưng vì một số lý do mà sau thời hạn trên trường chưa cập nhật đủ.

Trước phản ánh về việc Hệ thống tự thay đổi phương thức xét tuyển, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ GDĐT đang xác minh. Về mặt lý thuyết, không thể có chuyện Hệ thống tự thay đổi phương thức xét tuyển của thí sinh. Tuy nhiên, Bộ vẫn sẽ truy vết để xác định có sự tác động từ ai đó khác trong và sau quá trình đăng ký - điều chỉnh NV của thí sinh không.

Khẩn trương rà soát, bảo vệ quyền lợi thí sinh

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn các trường xử lý tình huống theo từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc, khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại sai sót về thông tin, cơ sở đào tạo chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan để giải quyết theo quy định bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên Hệ thống, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung. Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết phản ánh, khiếu nại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro đã được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.

Về phía các trường, ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, trường đã rà soát và phát hiện những sai sót. Tới nay đã xác định được số lượng thí sinh và đã liên hệ với các em, đồng thời có đính chính cho phù hợp.

Là một trong những trường nhận được phản ánh của thí sinh từ đỗ thành trượt, Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho hay, đã kiểm tra và phát hiện một số em thao tác sai về mặt kỹ thuật. Với những thí sinh đăng ký xét học bạ, đủ điểm đỗ nhưng chỉ nhận được kết quả xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường hướng dẫn cần gửi lại thông tin rõ ràng để trường kiểm tra, rà soát lại, nếu chứng minh đủ điểm đậu ở NV cao nhất thì sẽ giải quyết ngay. “Nhà trường đang tiến hành giải quyết theo hướng thuận lợi nhất cho thí sinh và có báo cáo cụ thể về Bộ GDĐT. Thí sinh có kiến nghị có thể gửi thông tin về địa chỉ gmail tuyển sinh của nhà trường để được giải quyết” - ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn hóa TPHCM thông tin.

Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, trường tiếp nhận thông tin của thí sinh đến hết ngày 30/9 và đã dành sẵn một số lượng chỉ tiêu cho nhóm thí sinh trúng tuyển nhưng do sai sót chưa nhập học được.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, hệ thống có những hỗ trợ, những cảnh báo, nhưng do phần mềm chưa ngăn chặn hết lỗi của các em. Thứ hai là các trường mã hóa phương thức xét tuyển, đối chiếu chưa khoa học, logic dẫn đến nhầm lẫn cho các em. Các trước đã rà soát và hầu hết các em được giải quyết.

Chia sẻ thêm, ông Sơn cho hay có một số sai sót xảy ra như trường thực hiện việc xét tuyển không đúng thứ tự NV của thí sinh, dẫn đến việc thí sinh đủ điều kiện nhưng không trúng tuyển NV mong muốn. Hoặc có trường hợp làm không đúng quy chế, ví dụ như chỉ xét NV 1. Bên cạnh đó, cũng có những sai sót từ phía thí sinh như đăng ký nhầm mã phương thức, đăng ký nhầm mã tổ hợp.

“Với những sai sót này Bộ GDĐT sẽ cố gắng tạo điều kiện để thí sinh chỉnh sửa. Nhưng cũng có những sai sót thuộc về một số trường và tùy từng trường cụ thể, Bộ đã yêu cầu xử lý theo đúng quy định của Quy chế đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh” - ông Sơn nói.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội:

Đẩy mạnh tự chủ tuyển sinh

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển trên cùng một hệ thống. Điều này tạo sự công khai, minh bạch và cơ hội bình đẳng cho thí sinh. Tuy nhiên, hệ thống, quy trình cũng bộc lộ những trục trặc trong quá trình đăng ký, nộp lệ phí và xét tuyển. Điều này đòi hỏi Bộ GDĐT có những đánh giá cụ thể, khách quan, thẳng thắn tất cả những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế để làm tốt hơn trong những năm tới.

Đối với công tác tuyển sinh thường sẽ kết thúc vào tháng 8, để tháng 9 các trường tổ chức khai giảng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây công tác xét tuyển kéo dài đến tận tháng 10, điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức khai giảng và kỳ nghỉ hè của sinh viên. Tôi kiến nghị Bộ GDĐT nghiên cứu, cải tiến thỏa đáng hơn để làm sao để có thể hỗ trợ các trường tốt nhất trong công tác tuyển sinh để có thể tự chủ cao nhất trong công tác tuyển sinh.

TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam:

Cần giải pháp lâu dài

Mùa tuyển sinh năm nay vẫn đang tiếp tục và có những điều chỉnh, chỉnh sửa với những lỗi gặp phải trong quá trình xét tuyển của thí sinh. Tuy nhiên, đó mới là giải pháp tạm thời, lâu dài hơn cần cải tiến hệ thống làm sao để không tái diễn các lỗi này, thậm chí ngăn ngừa từ khi đăng ký xét tuyển bằng cách truyền thông, hướng dẫn cho thí sinh và các trường để đăng ký đúng, đặc biệt với các trường ở vùng khó, việc đăng ký trực tuyến đa số tiến hành ở nhà trường nên cần bố trí các thầy cô am hiểu về mặt kỹ thuật, có khả năng tư vấn hướng nghiệp để trợ giúp thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển đại học 2022, thí sinh đỗ thành trượt: Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO