Xét tuyển đại học năm 2017: Cao kỷ lục, thấp bất ngờ

Thu Hương 04/08/2017 08:35

Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia về mùa tuyển sinh ĐH năm nay khi khối trường công an, quân đội, y dược ghi nhận mức điểm chuẩn cao kỷ lục trong khi khối ngành sư phạm lại thấp đến mức báo động. Những thầy cô đứng trên bục giảng tương lai có điểm đầu vào ĐH (đã tính cả điểm ưu tiên, tối đa là 3,5 điểm) vừa bằng điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục sẽ ra sao?

Ảnh minh họa.

Đìu hiu như sư phạm

Thông tin tràn ngập truyền thông mấy ngày nay là mức điểm chuẩn của nhiều trường ĐH top trên phá kỷ lục lịch sử tuyển sinh ĐH. Nhưng một kỷ lục “rất ngậm ngùi” khác cũng được ghi nhận.

Theo ông Lê Anh Phương- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, điểm chuẩn của các ngành sư phạm năm nay nhìn chung rất thấp. Cụ thể, nhiều ngành sư phạm của trường ĐH Sư phạm Huế có điểm chuẩn giảm mạnh như ngành Sư phạm Toán giảm 5,5 điểm, Sư phạm Hoá giảm 3 điểm so với điểm chuẩn năm 2016. Thậm chí, nhiều người đã giật mình khi trường công bố điểm chuẩn là 12,75 (quy chuẩn) với tất cả các ngành đào tạo sư phạm như Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học. Một số ngành khác như Sư phạm Toán học, Sư phạm Địa lý cũng chỉ ở mức 16-16,5 điểm. Chẳng lẽ, điểm đầu vào của các sinh viên sư phạm còn thấp hơn cả điểm sàn Bộ GD&ĐT đã công bố?

Thực chất, điểm chuẩn được trường ĐH Sư phạm Huế tính theo công thức: Điểm xét tuyển = ((môn 1 x 2 + môn 2 + môn 3) x 3)/4 + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó môn 1 là điểm môn chính, còn môn 2 và môn 3 là điểm các môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển. Như vậy với điểm quy chuẩn là 12,75 thì tương đương với điểm môn chính thấp nhất là 1,25, và điểm tổng ba môn tương đương thấp nhất là 15,5 điểm. Như vậy, điểm chuẩn các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Huế thấp nhất là 15,5 (bằng điểm sàn).

Tương tự, Trường ĐH Vinh cũng xét tuyển tất cả các ngành sư phạm ở mức 15,5 điểm. Mức điểm chuẩn này của những ngành này thấp hơn năm ngoái 1,5 điểm. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) các ngành Sư phạm Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn có điểm chuẩn nhỉnh hơn là ở mức 16-17 điểm. Các ngành Sư phạm Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin đều bằng sàn (15,5 điểm). Các ngành sư phạm của Trường ĐH Đồng Nai cũng có điểm khá thấp khi điểm chuẩn chỉ dao động từ điểm sàn tới 17 điểm. Hai ngành cao nhất của trường này là Sư phạm Toán và Sư phạm Văn 17 điểm. Tại ĐH An Giang, ba ngành Sư phạm Toán, Lý, Hoá chỉ bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn điểm sàn. Các ngành sư phạm của Trường ĐH Hải Phòng cũng trong hoàn cảnh tương tự khi đa số các ngành đều có điểm chuẩn chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn không nhiều.

Trong khi điểm chuẩn các nhiều trường đại học năm nay đều tăng, ngay cả các trường ĐH ngoài công lập cũng có trường tăng tới 6 điểm, thì ngành sư phạm ở các trường ĐH địa phương điểm chuẩn lại rất thấp, đa số đều bằng điểm sàn. Thậm chí như lãnh đạo của một trường sư phạm địa phương thừa nhận, dù chấp nhận nhận hồ sơ từ điểm sàn nhưng có thể vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu do lượng thí sinh đăng ký NV vào trường rất thấp. Không loại trừ các em đã trúng tuyển theo hình thức xét tuyển học bạ hoặc có lựa chọn khác, không chắc cứ đỗ là đã nhập học.

Đầu ra có đảm bảo?

Thực trạng đìu hiu này được một chuyên gia giáo dục nhìn nhận là thực tế nhiều năm nay sư phạm không phải ngành hút sinh viên có năng lực học tập tốt. Chỉ một số ít các trường ĐH sư phạm đầu ngành ở thành phố lớn là có lượng thí sinh đăng ký đông còn lại hầu hết đều các trường ĐH địa phương đều chung tình trạng khó tuyển được thí sinh điểm cao. Nhất là với cách đăng ký NV như năm nay, các trường, các ngành hot đã hút hết thí sinh điểm cao nên có thể số lượng thí sinh đăng ký vào học ngành sư phạm không thấp, chỉ là do xếp NV sau nên các em đã đỗ hết các NV trước. Chỉ một số em điểm thấp không đỗ NV 1, 2, 3… mới vào sư phạm.

Không đến mức bi quan như ý kiến trên, nhưng GS Phạm Minh Hạc -nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận việc tuyển sinh viên giỏi vào ngành sư phạm những năm gần đây là rất khó. Thực tế không nhiều thí sinh đạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế, quốc gia nào lại chọn học sư phạm. Tương tự, điểm chuẩn vào các trường sư phạm, kể cả những trường như ĐH Sư phạm Hà Nội cũng luôn thấp hơn nhiều ngành hot của một số trường như ĐH Ngoại thương, khối trường Y Dược,…

Nguyên nhân thì báo chí cũng nhắc đến nhiều nhưng trước hết là vì cơ hội việc làm sau khi ra trường dành cho giáo viên hiện nay không nhiều. Số giáo viên dôi dư được Bộ GD&ĐT tổng kết lên đến 27 nghìn người còn chưa giải quyết xong, các em sinh viên ra trường lấy đâu ra việc làm? Ngay cả những giáo viên đã có biên chế chính thức còn lo lắng trước đề xuất cách đây không lâu của người đứng đầu ngành giáo dục là bỏ biên chế giáo viên.

Tất nhiên, sau đó câu chuyện này đã được khẳng định lại là mới chỉ là đề xuất, chưa thể triển khai trong bối cảnh hiện nay nên người trong ngành đã có thể tạm thời yên tâm. Nhưng áp lực nhiều, công việc vất vả, đặc biệt với giáo viên mầm non, cấp 1 khi dạy cả ngày mà chế độ đãi ngộ không cao so với nhiều ngành khác khiến học sinh phổ thông không hề mặn mà với nghề này.

Bên cạnh đó, ông Hạc cũng bày tỏ lo ngại chương trình giáo dục phổ thông mới đang chuẩn bị triển khai, việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có là cần thiết, nhưng song song với đó cũng cần đào tạo đội ngũ sinh viên sư phạm đảm bảo khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Đó sẽ là lính tiên phong, khi có sách mới sẽ bắt tay vào công cuộc dạy học theo phương pháp mới. Nhưng với đầu vào thấp như hiện nay, ai có thể đảm bảo chất lượng đầu ra sẽ là những giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục?

Một băn khoăn nữa được ông Hạc đặt ra là năm sau, nếu Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, điểm chuẩn vào các ngành sư phạm của nhiều trường sẽ đi đâu về đâu? Bằng chứng là năm nay nhiều trường đã lấy bằng điểm sàn mà chưa chắc đã tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Nếu để các trường vét thí sinh, điểm nào cũng lấy thì thực sự đáng lo.

Đồng tình một phần với ý kiến trên, TS Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng chế độ đãi ngộ thấp, lương không cao, nhiều áp lực nên người tài ít đăng ký vào sư phạm. Điều này cho thấy ngành sư phạm khó mà cạnh tranh với những ngành khác nếu Nhà nước không có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

“Các trường cũng phải quản chặt đầu ra, không chấp nhận quan điểm đào tạo dễ dãi để cung cấp cho xã hội những cử nhân yếu kém về trình độ, thiếu kỹ năng… và cuối cùng là thất nghiệp hoặc làm trái ngành, trái nghề, rất đáng tiếc”- ông Lâm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển đại học năm 2017: Cao kỷ lục, thấp bất ngờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO