Xóa nghèo nhờ đi đúng hướng

Lâm Nguyên 23/03/2017 09:00

Đến thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái giờ đây ai cũng ngỡ ngàng trước nhiều ngôi biệt thự khang trang và những đổi thay của vùng đất này. Sự đổi thay đó chính là nhờ cây cam đã góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Trồng cam tại Văn Chấn, Yên Bái mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người nông dân.

Sau hơn 20 năm bén duyên đất Văn Chấn, cây cam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tổ dân phố số 8 thị trấn Nông trường Trần Phú được coi là cái nôi của phong trào trồng cam.

Ban đầu từ một vài gia đình trồng thử thấy cam phát triển tốt, hợp thổ nhưỡng, khí hậu người nọ bảo người kia dần phá bỏ diện tích chè già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cam. Hiện nay số hộ khá, giàu của tổ chiếm khoảng 70%, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng từ trồng cam không hiếm.

Gia đình chị Bùi Thị Trâm tổ 8, thị trấn nông trường Trần Phú là một trong những hộ điển hình có nguồn thu lớn từ trồng cam. Với hơn 2 ha cam các loại như cam sành, cam đường canh, cam chanh, quất… mỗi năm gia đình chị thu trên 400 triệu đồng.

Ban đầu gia đình chị không có vốn đầu tư nhưng được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm kinh tế. Có lưng vốn trong tay, chị Trâm đã bàn bạc với chồng đầu tư trồng cam xem hiệu quả kinh tế đến đâu.

Những ngày mới chập chững làm, chưa có kinh nghiệm nên dù gia đình chị đầu tư nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả kinh tế mang lại vẫn không cao.

Không chịu khuất phục trước khó khăn, chị Trâm đã khuyên chồng đi học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã áp dụng thành công ở các huyện khác trong tỉnh đồng thời tích cực tham gia lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện mở để có thêm kiến thức, kinh nghiệm.

Đất với cây đã không phụ lòng người, hàng năm vườn cây ăn quả của gia đình chị đã đơm hoa, kết trái và đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Không riêng gì chị Trâm, gia đình anh Trần Minh Quyền ở thôn 5, xã Thượng Bằng La là một trong những hộ điển hình đưa giống cam về phát triển tại xã. Ban đầu, anh Quyền sang thị trấn Nông trường Trần Phú học cách trồng cam và đưa giống cam về trồng thử nghiệm.

Nhận thấy cây cam đường canh hoàn toàn phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có 500 gốc cam đường canh đang trong giai đoạn thu hoạch muộn. Dự tính vụ cam năm nay gia đình thu về gần 400 triệu đồng.

Theo ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú: Cam được coi là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, cam cũng là cây trồng có khả năng thích nghi hẹp, lại dễ bị sâu bệnh.

Do vậy, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền thị trấn nông trường Trần Phú sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng người dân vào việc chuyển đổi giống, mở rộng diện tích, tăng sản lượng đồng thời phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của huyện để quảng bá, xây dựng thương hiệu cam sạch Văn Chấn, tạo điều kiện cho bà con làm ăn lâu dài tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa nghèo nhờ đi đúng hướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO