Xử lý tin nhắn rác: Không thể hứa hoài

Thuý Hằng 10/06/2020 09:00

Đến thời điểm này, vấn nạn tin nhắn rác “khủng bố” khách hàng vẫn chưa được các nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel... ngăn chặn triệt để. Nhiều người hết sức phiền lòng khi có ngày họ phải nhận tới 4-5 tin nhắn rác từ sim rác, các đầu số dịch vụ của các nhà mạng quảng cáo, giới thiệu dịch vụ, ưu đãi 3G, 4G tốc độ cao...

Điên đầu với tin nhắn rác

Hầu hết các khách hàng sử dụng điện thoại di động của cả 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel khi được hỏi đều khẳng định bị tin nhắn rác làm phiền. Hàng ngày, họ phải nhận những tin nhắn rác, hay các cuộc điện thoại từ người không quen biết gọi đến mời chào sử dụng các dịch vụ làm đẹp, mua mỹ phẩm, bán nhà, thuê nhà... Nếu chỉ là tin nhắn, cuộc gọi làm phiền từ sim rác còn dễ hiểu, đằng này người dùng di động vô cùng bức xúc với tin nhắn rác từ các đầu số dịch vụ, thậm chí là tin nhắn quảng cáo giới thiệu của chính nhà mạng. “Chính nhà mạng cũng thường xuyên dội bom tin nhắn đến...” -chị Hoàng Lan, chủ thuê bao trả trước của Viettel bức xúc nói.

Chị Lan nói không oan, có thể liệt kê ra các loại tin nhắn rác của Viettel như: Tin nhắn quảng cáo Viettel, ViettelPay, Viettel ++, napthe_VT, Viettel_DV..., hay tin nhắn dịch vụ lời thoại của Viettel. Cùng chung bức xúc đó, chị Nguyến Ngọc Anh, chủ thuê bao di động của nhà mạng Vinaphone (094659****) chia sẻ, có ngày nhận đến mười mấy tin nhắn rác. Chưa kể các cuộc điện thoại từ nhân viên của của hãng mỹ phẩm, trung tâm đào tạo tiếng anh cho trẻ em, từ các công ty bất động sản… - chị Nguyễn Ngọc Anh than phiền.

Nếu là những đầu số dịch vụ quảng cáo gọi đến còn dễ phát hiện để quyết định nghe hay không nghe, nhưng nhiều khách hàng sử dụng điện thoại vô cùng bức xúc khi phải nhận những cuộc gọi từ những số điện thoại gọi đến không bao giờ biết được đó là quảng cáo. Cũng là thuê bao 10 số, thậm chí còn có số điện thoại đẹp gọi đến mời chào tham gia các khóa học làm đẹp, mua bất động sản như chung cư, biệt thự... chị Lại Hoa (ở phố Khương Trung , Hà Nội) chia sẻ.

Thống kê của cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, số lượng phản ánh của người dùng về “tin nhắn rác” quấy nhiễu, gây phiền hà lên tới gần 22.000 lượt chỉ trong 6 tháng.

Khó dẹp vì chính nhà mạng cũng... rác

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng thừa nhận trước Quốc hội: Sim rác, cuộc gọi và tin nhắn rác là vấn đề kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Vậy tại sao quyết tâm dẹp tin nhắn rác, điện thoại rác vẫn chỉ ở trên... giấy?

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, với cơ chế mua bán sim dễ dàng như hiện nay việc chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác là rất khó. Bởi cứ mua được sim là có thể thực hiện được quảng cáo, mời chào mà không sợ bị chế tài. Ngoài ra một trong những nguyên nhân khiến cho tin nhắn rác, điện thoại rác “trường tồn cùng thời gian” là do chưa có sự thống nhất về tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, các hệ thống, biện pháp chặn lọc tin nhắn rác của các nhà mạng còn chưa đồng đều cũng như chưa có cơ chế phối hợp chặn, lọc tin nhắn rác liên mạng. Và một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là chính các nhà mạng cũng gửi tin nhắn rác.

Được biết từ năm 2017, cả 5 doanh nghiệp viễn thông di động tại Việt Nam là Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và GTel đều đã ký cam kết với Bộ Thông tin – truyền thông về việc phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác. Theo đó người đứng đầu của các nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông về việc thực hiện cam kết này.

Thế nhưng thực tế, mọi lời hứa của các nhà mạng vẫn chỉ là hứa suông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý tin nhắn rác: Không thể hứa hoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO