Xuất khẩu lao động cũng lao đao vì dịch

Lê Bảo 24/06/2021 06:57

Năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu sẽ đưa được 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng với những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất khẩu đang đứng trước rất nhiều thách thức.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đứng trước rất nhiều khó khăn. Một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đã ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Cộng thêm việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động đã khiến cho số lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ không thể xuất cảnh được, bị mắc kẹt tại các công ty phái cử trong tâm trạng chờ đợi, lo lắng. Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng các công ty phái cử vẫn có đơn hàng tuyển dụng tốt từ các đối tác nước ngoài, nhưng lại không thể triển khai việc cung ứng nguồn lao động.

Trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế - xã hội ở các quốc gia tiếp nhận bị xáo trộn và điều này cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam.

Tuy nhiên không phải bây giờ hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mới bị ảnh hưởng. Trước đó, trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đạt kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 chỉ là 78.641 người, trong đó có 28.786 lao động nữ, đạt 60,5% kế hoạch Chính phủ giao năm 2020 và bằng 51,55% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152.530 lao động, trong đó có 54.700 lao động nữ).

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, từ nay tới cuối năm 2021 hoạt động XKLĐ sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Chính vì vậy theo nhiều chuyên gia trong trong lĩnh vực xuất khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ tốt cho người lao động, cần tiếp tục phát huy các chính sách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hiện nay. Với việc Việt Nam được đánh giá xếp hạng an toàn cao, người lao động sẽ nằm trong nhóm được ưu tiên nhập cảnh vào các quốc gia tiếp nhận.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thị trường XKLĐ chịu tác động tiêu cực là khó tránh khỏi, thời điểm này ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và thâm nhập sâu vào những thị trường khắt khe hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho lao động khi xuất cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động cũng lao đao vì dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO