Xuất khẩu nông sản: Nỗ lực ‘lội ngược dòng’

Hạnh Nhân - Hoài Dương 31/10/2021 09:34

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu nông sản là một trong những lĩnh vực sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh. Vào thời điểm Giáng sinh ở các quốc gia phương Tây, cũng như Tết cổ truyền Trung Quốc và một số quốc gia đang đến gần, Việt Nam xem đây là cơ hội lội ngược dòng, nhằm cán đích mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt hơn 44 tỉ USD được xem là một thách thức cho cả năm 2021.

Phục hồi mạnh mẽ

Nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thế giới đang gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, vận chuyển thuận lợi hơn đang từng bước tạo cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam bứt phá. Trong báo cáo tháng 10/2021, Bộ NNPTNT tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ USD cho cả năm.

Mới đây, Tổng cục Thống kê cũng thông tin, xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng tốt bất chấp dịch Covid-19. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, đạt hơn 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần); thị trường Trung Quốc đứng thứ 2, đạt gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần); thị trường Nhật Bản đứng thứ 3, đạt hơn 2,4 tỷ USD (chiếm 6,8% thị phần); thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4, đạt khoảng 1,6 tỷ USD (chiếm 4,3% thị phần).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Con số xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD đã chứng tỏ sự nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ NNPTNT đã “nhập cuộc”, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản (cho nông dân, hợp tác xã, DN) ngay khi các tỷnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch đã được minh chứng.

Đặc biệt, về xuất khẩu, Bộ NNPTNT cũng đã đẩy mạnh việc tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường nông sản với các nước: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc...trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp song phương và đa phương. Đồng thời, Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương, DN xuất khẩu nông sản sang các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Anh, Trung Quốc…

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam có hiệu lực.

Tận dụng thời cơ tăng tốc

Bộ NNPTNT cũng dự báo, thị trường quý IV/2021 mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, nhất là vào thời điểm Noel ở các quốc gia phương Tây và Tết cổ truyền Trung Quốc. Đặc biệt, tại các nước châu Âu hiện đã có nhiều DN chọn nhập khẩu nông sản Việt Nam.

Phía chuyên gia, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) dự báo, ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi nhanh chóng.

Ông Lộc nhìn nhận, đây chính là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Dự kiến, cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 44 tỷ USD, đồng nghĩa với việc quý IV-2021, con số kim ngạch phải đạt là khoảng 8,5 tỷ USD. Muốn vậy, DN phải thực sự tận dụng được thời cơ tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Đơn cử như ngành điều, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, điều Việt Nam bị cạnh tranh từ một số nước ở châu Phi. Do thiếu tàu, thiếu container nên chi phí vận chuyển tăng đột biến. Nhằm giảm chi phí, một số thị trường nhập khẩu điều đã chuyển sang nhập hàng từ châu Phi để có được mức giá thấp hơn đáng kể.

“Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nên dù bị cạnh tranh mà sản lượng xuất khẩu vẫn tăng tốt nhờ các DN trong ngành có nhiều đối tác, khách hàng lâu năm, xây dựng được sự tin tưởng, chất lượng ổn định. Ngoài ra, mặt hàng điều với dinh dưỡng cao, dễ bảo quản nên được tiêu thụ mạnh trong thời điểm dịch bệnh. Giáng sinh và Tết dương lịch sắp tới cũng là dịp sức tiêu thụ mặt hàng này gia tăng”, ông Hậu phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (TP HCM) dự báo, những tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu trái cây vì thời điểm này nhu cầu tiêu thụ cao nhất trong năm.

“Trong tháng 10, tình hình kẹt container trên các thị trường tiêu thụ rất nghiêm trọng do các nước chuẩn bị trữ hàng cho mùa tiêu thụ cuối năm. Mặt hàng trái cây không trữ được thường sẽ được mua vào tháng 11, khi đó tình hình kẹt tàu, kẹt cảng đã bớt căng thẳng. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng được lượng hàng xuất khẩu vì nhu cầu đặt hàng của các đối tác rất lớn”, ông Tùng bày tỏ.

Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký hiệp hội cho rằng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể nhờ xuất khẩu tốt vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông và cả thị trường Australia.

Trước đây, rau quả lệ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 70% thì nay giảm còn 58%. Các thị trường khác trước đây chỉ chiếm 30% thì nay tăng lên 42%-50% và chất lượng rau quả của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể để tham gia những thị trường khó tính.

Là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với dự báo về khả năng phục hồi khá chậm, ngành thủy sản đang đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Trước những thách thức đó, các DN xuất khẩu đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa tìm kiếm vừa chuyển hướng thị trường để bắt kịp nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ: Đối với ngành hàng tôm, hiện việc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu gặp vô vàn khó khăn về vấn đề logistics dẫn đến rất ít khả năng tiếp cận kịp cơ hội tiêu dùng dịp Giáng sinh, nên chúng tôi quyết định chuyển trọng tâm sang các thị trường châu Á với thời gian vận chuyển ngắn, linh hoạt hơn.

Đồng thời đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu cho bà con để giúp phục hồi sớm chuỗi cung ứng, hy vọng sớm nhất là đầu năm 2022 khôi phục lại được việc cung cấp đơn hàng cho các thị trường lớn như Mỹ, EU.

Doanh nghiệp cần trợ lực

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, về phía các DN, trong thời gian tới họ cần được hỗ trợ để mở rộng thị phần châu Âu, tăng cường giao dịch, mua bán với các nước ASEAN, Ấn Độ và mở rộng thị trường qua khu vực Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường cũng là cách để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Italy, quốc gia này là thị trường nhập khẩu hoa quả khá lớn song tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1%. Để xuất khẩu được trái cây vào Italy nói riêng, thị trường EU nói chung theo bà Huệ công tác quảng bá còn nhiều việc phải làm.

Một trong số đó là cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành như Công Thương, Nông nghiệp, Ngoại giao, các địa phương, DN để tham gia vào các hội chợ hoa quả lớn ở EU, tiếp cận được cách quảng bá rau quả.

“Hàng nghìn nhà xuất nhập khẩu có mặt ở các hội chợ lớn. Thậm chí, có những hội chợ lớn còn tổ chức hoạt động như ngày trái bơ, ngày trái xoài. Nếu có thể liên hệ để có “ngày trái vải Việt Nam” tại các hội chợ là điều rất tốt”, bà Huệ chia sẻ và lưu ý, các DN cần vượt qua được những khó khăn về logistics vì hiện nay, chi phí và thủ tục vận chuyển hoa quả từ Việt Nam sang EU không hề đơn giản.

Ông Thái Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc cũng nêu thực tế, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm rau quả xuất khẩu vào thị trường Séc nói riêng cũng như EU nói chung. Do đó, các bộ, ngành và DN cần tìm cách kéo giảm chi phí này xuống.

“Những sản phẩm rau quả chế biến sâu sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn nên các DN xuất khẩu cần đầu tư công nghệ để tập trung vào lĩnh vực này, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, DN cần tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để tạo lợi thế cho các sản phẩm rau quả tại thị trường EU”, ông Dũng gợi mở.

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý, thời điểm mở cửa lại cũng là thời điểm DN phải “chiến đấu” với muôn vàn khó khăn sau một thời gian dài “ngủ đông”, như: thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi...

“Chính vì vậy, cũng như nhiều DN thuộc các ngành hàng kinh tế khác, ngay lúc này, DN nông nghiệp cần nhận được sự trợ lực từ Chính phủ về các chính sách hỗ trợ như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động...

Để từ đó, tiếp sức cho các DN chế biến, xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sức bật của các DN có tiềm năng phát triển”. ông Lộc đề xuất.

TS Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường & Thể chế nông nghiệp: Chính các con số về tăng trưởng lẫn tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay đã nói lên tất cả.

Từ nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là trụ đỡ, điểm tựa, thậm chí có lúc là “phao cứu sinh”, “tấm áo giáp” của nền kinh tế Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp tiếp tục là minh chứng cho điều này.

Vì thế, để duy trì được sản xuất, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy hoàn toàn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, làm cơ sở giúp nông nghiệp tăng trưởng, tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay với ngành nông nghiệp là không chỉ với sản xuất mà còn phải chú tâm đến các kênh thương mại, các tuyến vận tải để lưu thông hàng hóa.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo, nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5 - 3%/năm trong giai đoạn 2019-2028, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, do tác động dịch Covid-19 trên thế giới, nhu cầu về nông sản tăng hơn nên các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu nông sản: Nỗ lực ‘lội ngược dòng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO