Xuất khẩu thủy sản: Sẽ cán đích sớm?

01/10/2022 07:58

8 tháng năm 2022, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đây là tiền đề để ngành thủy sản vượt chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2022.

Càng về cuối năm càng nhiều cơ hội cho xuất khẩu cá tra. Ảnh: K.Trung.

Giá cá tra đạt kỷ lục

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 8/2022 (từ 1 - 15/8/2022) đạt 427 triệu USD, tăng 62,1% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế từ đầu năm 2022 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 78,5% kế hoạch năm 2022 (9 tỷ USD).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% với hơn 421 triệu USD, tăng 87% so với 8 tháng của năm 2021. Theo Vasep, doanh số cá tra sang Hoa Kỳ trong tháng 8/2022 chỉ cao hơn một chút so với mức gần 32 triệu USD trong tháng 7/2022. Tuy nhiên, giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 8/2022 đạt mức cao, 5 USD/kg – đây là mức giá kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu sản lượng lớn cá tra từ Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2022, thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu 95,4 nghìn tấn cá tra đông lạnh, trị giá gần 403 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và 106% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhập khẩu cá tra đông lạnh từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 88,2 nghìn tấn, trị giá 371 triệu USD, tăng lần lượt 34% và 109% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam chiếm trên 92% khối lượng và giá trị cá tra mà Hoa Kỳ nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm.

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của Vasep dự báo, nhập khẩu cá tra của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi mà lạm phát giá thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng làm cho thị trường Hoa Kỳ chao đảo hơn, đồng thời cũng bước vào chu kỳ tăng nhu cầu cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới.

Có thể thấy, với cú "lội ngược dòng" và nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp ngành thủy sản, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay được dự báo sẽ cán đích vào cuối tháng 11 tới.

Không dừng lại ở giá trị xuất khẩu

Mặc dù có nhiều cơ hội song theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, thách thức lớn nhất của xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm là đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Điều này đang được các doanh nghiệp nỗ lực xây dựng để khách hàng chấp nhận chi trả mức giá cao hơn thay vì bán được nhiều sản phẩm với giá rẻ.

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm vụ của những người làm thủy sản không chỉ dừng ở giá trị xuất khẩu. Ngoài mục tiêu giảm khoảng 1 triệu tấn khai thác đến năm 2030, ngành thủy sản đồng thời nghiên cứu phương án giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Để phát triển ngành thủy sản bền vững, đại diện 9 hiệp hội ngành hàng thủy sản đều khẳng định, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do vậy cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thuỷ sản giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến đạt giá trị gia tăng trung bình trên 40%; Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên; Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40-45 nghìn tỷ đồng, góp khoảng 14-17 tỷ USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Cùng với Quyết định 1408, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 được coi là tấm phiếu đảm bảo cho nguồn cung nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Động thái này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ dẫn dắt hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, đi sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm cho xuất khẩu thủy sản trong 10 năm tới và các năm về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu thủy sản: Sẽ cán đích sớm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO