Xuất khẩu trái cây: Nhiều tín hiệu khả quan

Lê Bảo 28/05/2022 08:33

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Mỹ về việc hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam. Như vậy, bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Nhiều địa phương đã chủ động tìm đầu ra, kết nối đưa sản phẩm trái cây ra thị trường.

Nhiều cơ hội

Trước đó, 6 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương trọng điểm trồng bưởi da xanh của Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả doanh nghiệp (DN) và nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Mỹ.

Theo thống kê chỉ riêng 6 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã mang về kim ngạch khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Với bưởi da xanh - loại trái cây có thời gian bảo quản dài ngày hứa hẹn sẽ là điểm sáng trong thời gian tới. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới hơn 330 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,9 tỷ USD, chiếm 27,3%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây với mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam.

Tại tỉnh Bắc Giang, thời điểm này, hàng trăm thương nhân Trung Quốc đã được các cơ quan chức năng Việt Nam và phía nước bạn tạo điều kiện xuất - nhập cảnh. Dự kiến, đầu tháng 6/2022, các đoàn thương nhân Trung Quốc sẽ đến Bắc Giang để khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước đạt khoảng 180.000 tấn, thu hoạch trong thời gian từ 20/5 - 20/7. Trong đó Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quả vải Bắc Giang. Niên vụ vải 2022, dự kiến sản lượng vùng trồng dành xuất bán sang thị trường này khoảng 95.000 tấn.

Đánh giá về tiềm năng của Vải thiều Bắc Giang tại hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế, một số chuyên gia kinh tế cho biết, vải thiều là loại trái cây được mong đợi nhất vào mùa hè hàng năm tại Nhật Bản. Với thế mạnh về độ ngọt và hương thơm của trái vải Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là tiền đề tốt cho lợi thế cạnh tranh giữa vải Việt Nam và vải từ các nước khác khi vào Nhật.

Nhiều địa phương chủ động tìm thị trường

Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây, hiện nay nhiều địa phương chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản đang đến vụ, giúp đỡ bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực.

Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh luôn coi trọng tất cả các thị trường gồm cả trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, ngay từ đầu vụ vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: Megamart, GO!, Coopmart, các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cả nước.

Đối với thị trường xuất khẩu, ngoài tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Singapore... Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Cũng nhờ sự chủ động tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm hiện nay Sơn La là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước. Bên cạnh đó, đã có 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...

Theo ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nắm bắt thị trường, xác định diện tích cây ăn quả, vùng trồng và thực hiện các hợp đồng kinh tế để tổ chức thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La. Cam kết thủ tục hành chính thông thoáng, cơ chế chính sách ổn định để giúp các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Cùng với sự chủ động của địa phương, đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây chủ lực, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, đơn vị tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như: Thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, bưởi... Qua đó có chỉ đạo cụ thể phù hợp thị trường tiêu thụ, bán được giá tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu trái cây: Nhiều tín hiệu khả quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO