Những tháng đầu năm nay, sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về nhiều kết quả khả quan. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đây là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 50 tỷ USD trong năm nay.
Đâu là nguyên nhân góp phần đem về “trái ngọt” trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp với số lượng ca mắc tăng cao, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. Ví dụ, giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc còn gặp trở ngại do phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid-19”.
Trước thực tế đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương nỗ lực tháo gỡ những khó khăn ở thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ những vướng mắc khi Trung Quốc thực hiện “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248) và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) từ ngày 1/1/2022.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có các văn bản chỉ đạo, thông tin truyền thông về Lệnh 248 và Lệnh 249; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng vùng nuôi, đề nghị các địa phương đưa những sản phẩm đã đạt yêu cầu của Lệnh 248, Lệnh 249 lên các cửa khẩu để xuất khẩu sang Trung Quốc…
Theo Thứ trưởng, thời gian tới toàn ngành sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức ra sao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới?
Năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì thực tế đầu tư còn khiêm tốn. Trong tổng số 530.000 tỷ đồng gói phục hồi phát triển kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp chỉ được đầu tư 5.000 tỷ đồng cho khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển, an toàn hồ đập. Một khó khăn trước mắt là xung đột Nga – Ukraine có thể khiến việc giao hàng của doanh nghiệp khó khăn, thanh toán khó.
Bên cạnh thách thức, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường sau khi tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do. Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu vào Mỹ, EU, mở rộng các thị trường ngách.
Hiện, một số ngành đã tỏ rõ lợi thế. Ví dụ như ngành hàng cá tra, sau 3 năm giá xuống thấp thì hiện tại giá cá tra đã đạt 27.000 – 28.000 đồng/kg, có 87% sản lượng cá tra sản xuất theo chuỗi. Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,26 tỷ USD, năm nay đang phấn đấu đạt 2 tỷ USD, các đơn hàng đáp ứng không kịp nhu cầu của khách hàng. Tôm cũng là một lợi thế khi nhu cầu từ Mỹ, Nhật Bản đang tăng. Ngoài ra, còn có lúa gạo, điều, tiêu, cao su…
Trong bối cảnh giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao, Bộ NN&PTNT đang bàn với các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!