Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng

H.Hương - T.Như 30/12/2021 06:59

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2021 dự báo vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Xuất khẩu về đích ngoạn mục

Tổng cục Hải quan dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan và đồng đều trên phạm vi cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Đông bộ.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2021 ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh hoành hành, song lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn giữ con số tăng trưởng đáng ghi nhận. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chủ lực như gạo, dệt may, da giày, thủy sản... đã đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến.

Theo ước tính của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, lợi nhuận quý IV/2021 sẽ đạt mức 45 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước và là mức kỷ lục tính theo quý trong lịch sử hoạt động của công ty. Trung An đã trúng nhiều gói thầu lớn như xuất khẩu gạo qua Hàn Quốc. Trong năm 2021, công ty liên tục trúng các gói thầu xuất khẩu gạo qua thị trường cao cấp ở Hàn Quốc. Tính cả năm, Trung An đã trúng thầu tới 48.763 tấn trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn (chiếm 98%) mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, trong vài ngày tới, các đơn hàng lớn đi Hàn Quốc trước đó sẽ xuất bến.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11/2021, chả cá, surimi là một trong những mặt hàng hải sản có tỷ lệ tăng trưởng cao, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 381 triệu USD. Đặc biệt, năm 2021 nhờ hồi phục mạnh nên tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm này lên tới 4,8% (Năm 2020, sản phẩm chả cá surimi chỉ chiếm 3,9% kim ngạch xuất khẩu thủy sản).

Tận dụng thời cơ

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021, sáng 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. “Cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 4 tỷ USD. Kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Như vậy, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức các doanh nghiệp đã duy trì và phục hồi sản xuất phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta”, bà Hương nhấn mạnh.

Về kết quả xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, con số tăng trưởng tuy rất tốt nhưng cơ cấu và cách thức vẫn dựa vào khối đầu tư nước ngoài. Do đó, nếu đánh giá mức độ phục hồi kinh tế do xuất khẩu đưa lại vẫn chưa được nhiều do giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ta vẫn còn thấp. Theo bà Lan, không thể biến Việt Nam thành một mảnh đất chỉ cho nước ngoài thuê với nhân công giá rẻ, người Việt Nam lại không được hưởng lợi gì từ sức lao động của mình.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, xuất khẩu nên chú trọng vào ngành nông nghiệp. Đặc biệt là các ngành hàng đã tạo nên kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD. TS Hiếu cho rằng, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp tận dụng được các thời cơ từ hiệp định thương mại đã ký. Cùng với đó hàng hoá xuất khẩu phải nâng cao chất lượng, chú ý về an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO