Ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ảnh: Hoàng Long 04/10/2015 09:00

Chiều 3/10, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam lần thứ 6, khoá VIII đã bày tỏ tinh thần dân chủ và trách nhiệm với nhiều ý kiến quan trọng, thể hiện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

* Ủy ban TW MTTQ Việt Nam thống nhất hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng làm Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban TW MTTQ Việt Nam khóa 8

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu
tại Hội nghị Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, sáng 3/10.

Đại đoàn kết là vấn đề chiến lược

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam góp ý cho các Dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII được xem là một hội nghị đặc biệt. Theo ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ phó tổ biên tập các tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vì Mặt trận là nơi tập hợp tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung nhấn mạnh tới đầu tiên là vấn đề đại đoàn kết. Đại đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết trong dân. Đại đoàn kết luôn là sức mạnh to lớn nhất để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn trong mọi thời điểm.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh, đại đoàn kết là vấn đề chiến lược, Nghị quyết Đại hội 10, 11 của Đảng khẳng định, đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của cách mạng nước ta, tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chính vì vậy ông Huỳnh Đảm đề nghị Dự thảo văn kiện cần bổ sung lại cho rõ trên cơ sở quán triệt Cương lĩnh của Đảng; việc tăng cường đại đoàn kết, trước hết Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo. Muốn có đoàn kết trong toàn dân thì trong Đảng phải đoàn kết, nêu gương đoàn kết. Nếu trong Đảng không đoàn kết thì sẽ có những phân tâm trong xã hội.

“Chúng ta kêu gọi đoàn kết nhưng có một bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất. Vì vậy phải giải quyết hài hòa lợi ích của người dân để việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết không chỉ động viên nghĩa vụ một chiều mà phải đem lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân”- nguyên Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm khẳng định; đồng thời cho rằng để Mặt trận làm được nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, Đảng cần bố trí cán bộ đủ tâm, đủ tầm cho công tác Mặt trận cũng như trong quan điểm, nhận thức; cần coi trọng Mặt trận hơn vì Mặt trận là thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
cùng các đại biểu dự Hội nghị UBTƯ MTTQVN.

Khắc phục 4 nguy cơ

Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thẳng thắn nêu 4 nguy cơ vẫn tồn tại và có mặt diễn biến phức tạp.

Các đại biểu tại Hội nghị đều đặc biệt quan tâm góp ý đến nội dung này. Theo nguyên Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám, ông Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, thì nguyên do của những hạn chế này là do hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới. Theo ông Đường, 30 năm Đổi mới, đất nước ta có đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, từ tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế đa thành phần. Tuy nhiên, đổi mới về mặt nhà nước, về hệ thống chính trị còn chậm, chưa tương xứng với đổi mới về kinh tế.

“Nếu có sự tương xứng, Việt Nam chắc chắn phát triển mạnh mẽ hơn hiện nay. Ví dụ mô hình chính quyền địa phương bao nhiêu năm nay vẫn giữ 3 cấp như cũ. Khi thực hiện thí điểm bỏ HĐND quận huyện nhưng chúng ta lại không mạnh dạn thay đổi. Tại sao lại chậm đổi mới về mặt thể chế nhà nước như vậy? Phải chăng vì vấn đề quá mới, chưa có tiền lệ hay vì vấn đề lợi ích, không dám vượt lên chính mình để thay đổi”- ông Đường đặt câu hỏi và cho rằng, Đại hội lần này phải nhấn mạnh việc đổi mới đồng bộ về mặt thể chế.

Đồng tình với quan điểm của ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám, khẳng định, Dự thảo xác định 4 nguy cơ trước đây vẫn còn, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, oan sai chưa hết… Lý do là hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới.

Do vậy, theo ông Trần Hoàng Thám, Đại hội lần này cần định ra được hướng đổi mới hệ thống chính trị, vì nếu không nhìn nhận, đặt đúng vấn đề đổi mới hệ thống chính trị thì những tồn tại sẽ còn, 4 nguy cơ vẫn chưa thể giải quyết. “Đại hội cần xác định rõ những gì có thể đổi mới được về hệ thống chính trị thì triển khai, còn những gì chưa rõ thì đưa ra định hướng để tiếp tục nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau”- ông Trần Hoàng Thám đề nghị.

Coi trọng giám sát, phản biện xã hội

Hội nghị góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu. Hội nghị đã vượt qua khuôn khổ của một cuộc hội thảo thông thường bởi đây là việc Mặt trận thay mặt nhân dân đóng góp ý kiến với Đảng cho nên bên cạnh những phần việc của Mặt trận, với những việc nhân dân quan tâm, theo nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt, Mặt trận cần phải có chính kiến.

Ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, Dự thảo văn kiện cần làm rõ vấn đề xây dựng Đảng, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới. Cùng với đó, cần làm rõ tinh thần kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc triển khai nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Nội dung kiểm điểm cần đưa vào báo cáo của Đại hội để toàn dân được biết Đảng đang lãnh đạo như thế nào.

“Đại hội Đảng 5 năm một lần, nên Đảng cần chú trọng sự kiểm điểm đúng và chưa đúng, được và chưa được như vậy sẽ thể hiện được tinh thần phê và tự phê của Đảng. Bởi sự thật là không chỉ toàn dân ta mà cả thế giới họ cũng đang rất quan tâm”- ông Duyệt nêu ý kiến, đồng thời cho rằng, cần chú trọng nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội.

“Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân” - ông Phạm Thế Duyệt góp ý.

Đặc biệt, theo ông Phạm Thế Duyệt, nên có kênh để nhân dân đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến về công tác nhân sự, chỉ có như vậy chúng ta mới có đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, có trình độ được nhân dân tin tưởng, mong muốn. Vai trò của Mặt trận đại diện cho nhân dân đối với công tác nhân sự là rất quan trong, không nên chỉ thể hiện ở việc hiệp thương bầu đại biểu Quốc hội của Mặt trận sau đại hội, mà cần thể hiện ý kiến trước Đại hội.

“Tôi mong Đại hội XII sẽ là một đại hội thể hiện được nhiều dấu ấn sâu sắc với nhân dân”-ông Phạm Thế Duyệt kỳ vọng.

Tư duy mới về công tác dân tộc

Lắng nghe và chia sẻ với các ý kiến góp ý, ông Phùng Hữu Phú- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ phó tổ biên tập các tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cho biết, trong 5 năm tới sẽ có cơ chế để phát triển mạnh kinh tế tư nhân, vì tiềm năng của tư nhân là rất lớn.

Về vấn đề xã hội, trước đây Đảng ta nhấn mạnh đến việc bảo đảm an sinh xã hội, nhưng tới đây sẽ thực hiện từng bước có hiệu quả quản lý xã hội.

Về xây dựng Đảng, lần này Dự thảo cũng nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, tiếp tục kiên trì đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chú trọng đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân…

Cùng với đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cũng cho rằng, Đảng phải tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Đất nước ta đã có 30 năm đổi mới, trong đó công tác dân tộc cũng đã có đổi mới, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, theo ông Lù Văn Que- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, kết quả đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu, vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất nước…

Một trong những nguyên nhân là việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm.

Do vậy theo ông Lù Văn Que, trong yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận, tư duy mới về dân tộc, cần có Luật Dân tộc Việt Nam. Và việc làm có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán.

“Đây là cái gốc của mọi công việc, thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên - người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém. Vì người dân tộc họ quan niệm “nhỏ như con ong, con kiến cũng có con đầu đàn của nó, huống chi là con người”. Không có đội ngũ cán bộ dân tộc để làm việc đó thì không ai làm thay được và dẫu có người làm thay cũng chưa chắc đã làm tốt hơn họ”- ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Ngày 4/10, Hội nghị sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Trân trọng những đóng góp của các đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim mong rằng, các cụ, các vị, các đồng chí tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, trách nhiệm và tâm huyết của mình, bám sát vào tình hình thực tiễn của đất nước để tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng.

Ngoài những vấn đề chung, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cũng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí tiếp tục có ý kiến và quan tâm sâu hơn tới những nội dung về đại đoàn kết toàn dân tộc, về MTTQ Việt Nam, sao cho những ý kiến đóng góp của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thể hiện được ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt:

Dân tin Đảng sẽ đổi mới mạnh mẽ

Sau 30 năm đổi mới, Đại hội lần này nên có dấu ấn để khẳng định với nhân dân tin tưởng bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để chứng minh với nhân dân, với thế giới rằng Đảng ta không chỉ có vai trò lãnh đạo trong lịch sử, mà trong giai đoạn đổi mới Đảng đã thể hiện được vai trò, dấu ấn của mình.

Cần khẳng định được việc tới đây chúng ta sẽ xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, hội nhập quốc tế. Dân ta vẫn mong muốn và tin Đảng ta sẽ có những đổi mới mạnh mẽ.

Ông Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam:

Cần có luật về kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân

Chúng ta phải coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước vì Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rõ vấn đề này.

Cần có luật về kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân, có công cụ để bảo vệ người dân. Như chúng ta đã biết, gần đây nổi lên hai câu chuyện “Giám đốc 30 tuổi ở Quảng Nam” và “nhà số 8B Lê Trực ở Hà Nội”.

Khi nhân dân bức xúc thì thanh tra vào cuộc. Nhưng thanh tra không phải là một thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước, mà chỉ là phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước. Vì vậy, phải có cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ông Hoàng Đình Thắng- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc:

Khẳng định đóng góp của kiều bào

Với văn kiện này, dư luận cộng đồng người Việt Nam tại cộng hòa Séc và một số nước châu Âu đang rất quan tâm. Những ý kiến góp ý chủ yếu tập trung vào hai vấn đề.

Thứ nhất là tạo thành cơ chế giám sát để phòng chống tham nhũng, và thứ hai là tạo cơ chế chính sách để sử dụng người tài nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, ước tính có hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, lực lượng này đã và đang có những đóng góp nhất định với quê hương, đất nước. Năm vừa qua lượng kiều hối của bà con kiều bào gửi về quê hương đã vượt quá con số 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Dự thảo văn kiện chưa đánh giá về vấn đề này.

Tôi cho rằng, việc Dự thảo văn kiện đề cập đến vấn đề này sẽ nâng cao hơn nữa ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Dạ Yến- Vũ Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO