Zimbabwe: Tổng thống bị bắt, quân đội nói không đảo chính

15/11/2017 21:09

Bất ổn chính trị ở Zimbabwe bất ngờ thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới trong hôm 15/11 sau khi làm dấy lên nhiều câu hỏi xung quanh việc vị Tổng thống 93 tuổi của nước này, ông Robert Mugabe, còn nắm quyền lực hay đã bị lật đổ trong một vụ đảo chính.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất ở châu Phi. (Nguồn: BusinessInsider).

Trong hôm 15/11, khi nhiều binh sỹ quân đội tuần tra trên đường phố thủ đô, một người phát ngôn của quân đội nước này đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng họ đã tổ chức một cuộc đảo chính, đồng thời tuyên bố Tổng thống Mugabe cùng gia đình vẫn "an toàn".

"Gửi tới người dân của chúng ta và toàn thế giới, chúng tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng đây không phải một cuộc lật đổ chính phủ" - Thiếu tướng S.B Moyo, nói - "Điều mà lực lượng quốc phòng Zimbabwe đang thực hiện là bình ổn tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội và kinh tế ở đất nước chúng tôi, ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột".

Vài giờ trước khi tuyên bố trên được đưa ra, một số nhân chứng cho hay họ đã trông thấy khoảng 100 binh sỹ trên nhiều tuyến phố trung tâm thủ đô Harare. Sự việc trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị sau khi ông Mugabe sa thải cấp phó của mình, Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa.

Dù quân đội nước này rất thận trọng trong việc gọi các hoạt động của mình, nhưng giới quan sát thì cho rằng đây thực sự là một cuộc đảo chính.

"Đây chắc chắn là một cuộc đảo chính dù có gọi thế nào đi chăng nữa" - ông Alex Magaisa, cố vấn chính trị của cựu Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai, nói - "Họ có thể cố gắng tạo cảm giác rằng Tổng thống Mugabe vẫn đang cầm quyền, nhưng thực tế chính là quân đội".

Một số người dân ở Harare cho hay thành phố này "rất yên tĩnh" trong hôm 15-11, dù các cửa hiệu vẫn mở và xe buýt, taxi vẫn hoạt động bình thường. "Rất nhiều người chỉ dám ở trong nhà", một nhân chứng giấu tên nói với hãng tin Reuters.

Tranh giành quyền lực

Phó Tổng thống Mnangagwa trước đây từng được coi là người có khả năng lớn sẽ kế vị ông Mugabe trong trường hợp ông này qua đời do tuổi già hoặc từ chức. Nhưng việc ông bị sa thải đã bất ngờ dọn đường cho ông Mugabe chỉ định vợ mình, bà Grace, làm Tổng thống tiếp theo, gây bất bình trong giới chính trị gia trung thành với ông Mnangagwa.

Bà Grace Mugabe vốn bị người dân Zimbabwe ghét bỏ do có lối sống xa hoa. Bà được đặt biệt danh là "Gucci Grace" vì có sở thích đi mua sắm đồ hiệu ở nước ngoài, tương phản với cuộc sống khắc khổ của nhiều người dân đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao cùng gánh nặng nợ công.

Được biết, ông Mnangagwa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội và lực lượng an ninh Zimbabwe. Được coi như một người bảo vệ tự do trong cuộc chiến giải phóng đất nước, ông Mnangagwa, 75 tuổi, hiện vẫn chưa rõ tung tích.

Trong tuyên bố của mình, ông Moyo nói rằng quân đội đang nhằm vào "những kẻ tội phạm" xung quanh Tổng thống Mugabe, những kẻ "gây ra tội ác bằng cách tạo nên bất ổn về xã hội và kinh tế". Người phát ngôn này cũng cho hay tình trạng ở Zimbabwe đã "lên một mức độ mới", đồng thời bảo đảm rằng ông Mugabe cùng gia đình vẫn được an toàn.

Trong khi đó, ông Chris Mutsvanga, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Zimbabwe và là đồng minh của ông Mnangagwa, đã gọi động thái của quân đội là một "cuộc đảo chính không đổ máu" trong tuyên bố hoan nghênh quân đội.

Hành động rủi ro

Mugabe, vị lãnh đạo có thời gian cầm quyền dài nhất ở châu Phi, lên nắm quyền trong khoảng những năm 1980 sau ngày giải phóng Zimbabwe. Ban đầu, ông Mugabe chủ trương trở thành một vị lãnh đạo thúc đẩy độc lập như Nelson Mandela, nhưng khi động lực chính trị bắt đầu mờ nhạt, ông bắt đầu chuyển sang củng cố quyền lực bằng nhiều biện pháp cực đoan.

Rất nhiều nhà phân tích chính trị trước đó tin rằng, việc ông Mugabe sa thải cấp Phó của mình để dọn đường cho vợ là bà Grace lên làm Tổng thống kế nhiệm là hành động cực kỳ rủi ro. Bà Grace Mugabe trẻ tuổi hơn nhiều so với chồng mình và cũng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi hay sự ủng hộ của chính đảng của ông Mugabe.

Trước đó, sau khi Tổng thống Robert Mugabe sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, Tướng Constantino Chiwenga đã lên tiếng thách thức vị tổng thống này. Ông Chiwenga nói rằng quân đội sẵn sàng hành động để "thanh lọc" đảng Zanu-PF của ông Mugabe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Zimbabwe: Tổng thống bị bắt, quân đội nói không đảo chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO