Quốc tế

Hạn hán đe dọa đàn voi ở Zimbabwe

Bảo Thư 08/01/2024 08:49

Các chuyên gia của Quỹ phúc lợi động vật quốc tế (IFAW) xác nhận, những con voi chết ở Vườn quốc gia Hwange (Zimbabwe) là do thiếu nước uống.

anhbaiduoi(3).jpg
Đàn voi ở Zimbabwe suy giảm nhanh chóng. Nguồn: Caters.

Hwange - công viên quốc gia lớn nhất Zimbabwe, từng là nơi sinh sống của khoảng 45.000 con voi, cũng như hơn 100 loại động vật có vú khác và 400 loài chim. Công viên có 104 giếng khoan để duy trì nguồn nước cho động vật. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài các giếng khoan dù khai thác tối đa cũng không đủ nước cho đàn voi và các loài động vật hoang dã, buộc chúng phải băng qua những quãng đường dài để tìm nước uống.

Tinashe Farawo - phát ngôn viên của Cơ quan quản lý động vật hoang dã và công viên quốc gia Zimbabwe, cho biết, những con voi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là voi con, voi già và voi bị bệnh. Chúng đành chịu chết khát do không thể di chuyển quãng đường dài đến nơi có nước.

Ông Farawo cho biết, El Nino đang khiến tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù El Nino năm 2023 đã gây ra lũ lụt kinh hoàng ở Đông Phi nhưng nó lại rất ít mưa trên khắp miền Nam châu Phi. Zimbabwe là quốc gia bị khô hạn đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.

Chỉ trong vòng 1 tuần đầu năm mới 2024, người ta đã phải bơm tới 1 triệu lít nước vào các giếng của công viên Hwange để có nước cho đàn voi, nhưng cũng đã có tới 100 con voi chết khát. Một con voi cỡ trung bình cần lượng nước uống hàng ngày khoảng 200 lít. Những con voi cái già nhất nhớ vị trí các nguồn nước mà chúng đã từng ghé lại đành phải dẫn đàn voi đi hàng trăm dặm tới đó. Trên chặng đường gian nan, những con voi yếu đã gục ngã.

Trước đó, năm 2019, cũng tại Zimbabwe, hạn hán khiến 55 con voi ở công viên Hwange chết do thiếu thức ăn. Hạn hán khốc liệt khiến cây cỏ chết khô, đàn voi không chỉ bị khát mà còn đói triền miên từ ngày này sang ngày khác. Nhà chức trách đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng đói khát buộc những con voi phải đi lang thang vào khu dân cư. Chúng phá hủy mùa màng, thậm chí tấn công con người.

Hạn hán và tác động từ biến đổi khí hậu đã khiến môi trường tự nhiên ở châu Phi nói chung và Zimbabwe nói riêng biến động. Điều đó không chỉ tác động tới cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của con người mà động - thực vật cũng chịu nỗi khổ chung. Trong khi đó, nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã vẫn không chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn hán đe dọa đàn voi ở Zimbabwe