Sau 100 ngày diễn ra xung đột vũ trang, với một loạt các hoạt động ngoại giao được thiết lập, nhưng các bên tham chiến tại Sudan dường như chưa sẵn sàng tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán tích cực nào.
Nỗ lực ngoại giao không đạt kết quả
Đã có 100 ngày giao tranh ở Sudan và cuộc xung đột đã gây ra thiệt hại nặng nề, làm dấy lên lo ngại nó có thể gây bất ổn cho khu vực rộng lớn hơn.
Vào ngày 15/4, sự cạnh tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã bùng nổ thành chiến tranh, biến Khartoum và các khu vực rộng lớn của thủ đô thành một chiến trường đẫm máu. Kể từ đó, giao tranh cũng lan sang khu vực Darfur vốn đang căng thẳng vì xung đột cũng như một phần của các bang Kordofan và Blue Nile.
Các nhà phân tích cho biết, một loạt các sáng kiến ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh đã không mang lại kết quả cụ thể nào khi các bên đối địch đang bị mắc kẹt trong một trận chiến sinh tồn – một cuộc chiến mà cả hai đều nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng hoàn toàn mà không cần phải tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa.
Vào tháng 5, hai bên tham chiến đã đồng ý cử các nhóm đàm phán đến Jeddah, Arab Saudi, để bắt đầu các cuộc đàm phán do Riyadh và Washington làm trung gian. Ít nhất 16 thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra sau đó, nhưng đáng tiếc là các thỏa thuận đều đã sụp đổ.
Các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ một tháng sau đó sau khi Quân đội Sudan rút lại sự tham gia với cáo buộc RSF thiếu cam kết. Các báo cáo cho thấy, các cuộc đàm phán có thể tiếp tục khi phái đoàn quân đội trở lại Thủ đô Riyadh của Arab Saudi vào ngày 15/7, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào.
Khi các cuộc đàm phán ở Jeddah thất bại và giao tranh vẫn tiếp diễn, Liên minh châu Phi (AU) đã tiết lộ kế hoạch của riêng mình.
Nhưng bên cạnh 3 lần triệu tập – cuộc họp cuối cùng là vào ngày 1/6 – và đưa ra những tuyên bố rộng rãi, hội nghị thượng đỉnh AU vẫn chưa mang lại bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào.
Sau đó là nỗ lực đàm phán của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD). Cơ quan khu vực bao gồm 8 quốc gia quanh vùng Sừng châu Phi, đã thành lập một ủy ban 4 nước bao gồm: Kenya, Ethiopia, Djibouti và Nam Sudan để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan. Nhưng một cuộc họp của IGAD vào ngày 10/7 đã bị phái đoàn quân đội tẩy chay, họ cáo buộc nhà tài trợ chính của bộ tứ là Kenya thiếu công bằng.
Thay vào đó, quân đội Sudan hoan nghênh một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 13/7 dưới sự chủ trì của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Cuộc họp có sự tham dự của các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia láng giềng của Sudan cùng với Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC).
Tổng thống Ai Cập vạch ra sáng kiến thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài, thiết lập các hành lang nhân đạo để hỗ trợ nhân đạo và xây dựng một khuôn khổ đối thoại bao gồm tất cả các đảng phái chính trị của Sudan. Những người tham gia hội nghị bàn tròn đã đồng ý thành lập một cơ chế cấp bộ trưởng bao gồm các bộ trưởng ngoại giao của 7 quốc gia để giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra. Kế hoạch đã được quân đội và RSF ca ngợi.
Quá ít hợp tác, quá nhiều cạnh tranh
Các chuyên gia cảnh báo, việc có quá nhiều sáng kiến ngoại giao khác nhau không có lợi cho một giải pháp hòa bình.
Ông Alan Boswell - điều phối viên dự án của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại vùng Sừng châu Phi cho biết: “Có một sự thất bại nghiêm trọng về ngoại giao ở Sudan, chúng ta thấy có quá nhiều cạnh tranh và quá ít hợp tác”.
Ông Boswell nói: “Ngoại giao đã không xuất hiện và điều này là do nó không đủ quan trọng trong chương trình nghị sự”, đồng thời lưu ý rằng, Mỹ đã không làm tròn vai trò điều phối truyền thống của mình.
Bên cạnh đó, những rạn nứt giữa các bên tham gia trong khu vực, những người có thể gây áp lực lên hai bên tham chiến để đồng ý ngừng bắn, cũng gây ra một trở ngại khác.
Theo ông Boswell: “Có lẽ những căng thẳng hiện tại là quá lớn để khiến các bên ngồi vào bàn đàm phán”.
Cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan do Tướng Abdel-Fattah Burhan lãnh đạo và các chiến binh RSF do Tướng Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo đã giết chết hàng nghìn người và khiến gần 3 triệu người phải di tản. Khoảng 730.000 người Sudan đã rời khỏi đất nước. Trong khi đó, việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chấm dứt nhiệm vụ chung của phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (UNAMID) vào năm 2020, khiến người dân địa phương dễ bị tấn công. Vì vậy, việc bảo vệ thường dân ngay lập tức vẫn là một mối quan tâm cấp bách.