Việt Nam vừa ghi nhận hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm 2024 - một con số ấn tượng sau đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng này giúp ngành du lịch Việt Nam tự tin có thể phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế trong năm nay. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến băn khoăn, rằng con số này liệu có phản ánh đúng thực trạng phát triển du lịch, hay chỉ đơn thuần là những báo cáo bề nổi?
Con số 12,7 triệu lượt khách cũng là kết quả ấn tượng giúp du lịch cùng các ngành thương mại, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Để có được con số trên phải nói là kết quả của một loạt những chính sách thu hút khách du lịch như các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, chính sách thị thực thuận lợi… Những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng cũng là một điểm cộng rất tốt để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ nhìn vào số lượt khách không đủ để đánh giá toàn diện. Các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật Bản có cách tính phức tạp hơn, dựa trên dữ liệu từ khách sạn, hệ thống giao thông và các khảo sát với du khách… để phản ánh chính xác số lượng khách du lịch.
Ví dụ, tại Mỹ, không chỉ dựa vào số lượt nhập cảnh, mà còn phân loại khách theo mục đích chuyến đi, sử dụng các bản ghi dữ liệu thuế (I-94) và khảo sát du khách. Nhật Bản lại kết hợp dữ liệu từ khách sạn và khảo sát chi tiêu để nắm bắt chính xác lượng khách quốc tế. Những hệ thống này không chỉ chú trọng đến số lượng mà còn tập trung vào chất lượng trải nghiệm.
So với các phương pháp này, hệ thống thống kê của Việt Nam vẫn còn đơn giản, tập trung nhiều vào "lượt khách" thay vì "khách". Sự khác biệt này dẫn đến việc báo cáo có thể chưa sát với thực tế, khi một du khách tham quan nhiều địa điểm lại được tính thành nhiều lượt. Do đó, con số 12,7 triệu lượt khách cần được xem xét cẩn thận hơn để hiểu đúng giá trị thực.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm sao để chuyển hóa những con số kỷ lục này thành giá trị bền vững cho du lịch Việt Nam? Các nước như Singapore và Nhật Bản đã xây dựng mô hình du lịch chất lượng cao, tập trung cải thiện trải nghiệm hơn là chỉ tăng số lượng. Singapore đầu tư vào công nghệ, giám sát chất lượng dịch vụ từ khi du khách đến, đảm bảo mọi trải nghiệm đều đáng nhớ. Nhật Bản lại chú trọng vào du lịch nông thôn, văn hóa, kết hợp bảo tồn giá trị truyền thống để thu hút du khách quay lại. Đó là những cách làm rất đáng để tham khảo.
Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến chất lượng cao trong khu vực, nhưng thiết nghĩ cũng đến lúc cần thay đổi tư duy từ "lượng" sang "chất". Đầu tiên, cần cải thiện hệ thống thống kê và quản lý khách du lịch, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích thói quen và mong muốn của du khách. Thứ hai, phải xây dựng chiến lược quảng bá du lịch gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo tồn văn hóa. Thứ ba, cần có sản phẩm du lịch tốt, đánh trúng nhu cầu thì sẽ thu hút được đa dạng nguồn khách và giữ chân họ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Vì vậy, đầu tư vào hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, và quản lý chặt chẽ các di sản văn hóa cũng là những chiến lược cần thiết để tăng trưởng du lịch bền vững.
Du lịch Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công, đạt được nhiều thành tựu, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng để phát triển bền vững, cần tập trung vào chất lượng trải nghiệm của du khách. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một ngành du lịch không chỉ lớn về số lượng mà còn vững vàng về chất lượng.