Sáng ngày 15/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021 đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98%. Lạm phát bình quân năm 2021 là 3,51%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23%
Ở kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế đạt 6,46%, lạm phát bình quân 3,78%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 5,06%.
Còn về thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD ở kịch bản 1 và 7,24 tỷ USD cho kịch bản 2
Theo CIEM, 2 kịch bản này được đưa ra dựa trên 3 điểm. Thứ nhất, đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, đúng thời điểm đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên kịp cho việc điều chỉnh những đánh giá, yêu cầu và giải pháp cho giai đoạn chiến lược tới.
Thứ hai, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 buộc phải nhìn nhận các yêu cầu cải cách đủ sâu rộng trong thời gian tới, thay vì tư duy “chờ qua dịch rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại”.
Thứ ba, nhiều yêu cầu cải cách hậu Covid-19 thực ra không mới; đại dịch Covid-19 ít nhiều giúp đẩy nhanh các cải cách này. Nổi bật và rõ nét nhất là chuyển đổi số, khi những chuyển biến trong năm 2020 được cho là nhiều hơn cả các năm trước cộng lại…
Đối với diễn biến kinh tế Việt Nam, chuyên gia của CIEM cho rằng, ngoài các yếu tố trên, trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước…
Ngoài ra cũng có những rủi ro khác trong năm 2021 như xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu.
Dự báo về năm 2021, nhiều tổ chức nghiên cứu cũng đã đánh giá và kỳ vọng rất cao nền kinh tế Việt Nam khi trong năm 2020 Việt Nam đã cho thấy khả khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 với tỷ lệ 2,9% nhờ vào tổ hợp các yếu tố tích cực bao gồm các biện pháp ngăn chặn virus sớm một cách hiệu quả, nhanh chóng quay lại hoạt động bình thường và xuất khẩu các mặt hàng điện tử bùng nổ.
Với bên ngoài, Việt Nam đã có thể chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đang trên đà phục hồi ổn định. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng duy trì rất tốt, với tiêu dùng tư nhân hồi phục một cách tương đối nhờ vào sự giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Giới chuyên gia cho rằng có nhiều lý do để tin rằng đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục. Về mặt đối ngoại, thương mại của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong năm 2020, bao gồm cả EVFTA, RCEP và UKVFTA…