Đã gần 3 tuần lễ trôi qua kể từ khi làn sóng người di cư Rohingya chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực ở Myanmar bắt đầu, nhưng hàng nghìn người vẫn băng qua biên giới để tìm sự giúp đỡ và an toàn tại các khu trại tị nạn ở nước láng giềng Bangladesh.
Một cậu bé người Bangladesh đi trên biển, bên kia biên giới là những cột khói từ những ngôi làng bốc cháy của người Rohingya (Nguồn: AP).
Làn sóng di cư trỗi dậy
Cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển biến xấu khiến cho cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, trong khi giới chức LHQ yêu cầu Myanmar ngừng ngay cái mà họ mô tả là một chiến dịch “thanh tẩy sắc tộc” đã khiến gần 400.000 người thiểu số Rohingya tháo chạy khỏi bang Rakhine.
Hôm 14/9 vừa qua, một trong số hàng chục chuyến tàu chở người Rohingya đến thị trấn Taknaf ở biên giới Bangladesh đã bị lật khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Sự việc đã nâng tổng số người di cư bị chết đuối trên dòng sông Naf lên tới 88 người kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Những người tới đây trên các con thuyền gỗ dạt vào bờ biển gần ngôi làng đánh cá Shah Porir Dwip đã mô tả về tình trạng bạo lực ở Myanmar, nơi mà họ vẫn có thể nhìn thấy cột khói bốc lên từ những ngôi làng bốc cháy.
Một người đàn ông Rohingya nói với hãng tin AP rằng ngôi làng Rashidong của ông đã bị tấn công cách đây một tuần lễ bởi binh sỹ và cảnh sát Myanmar. “Khi quân đội và cảnh sát bao vây ngôi làng, tấn công chúng tôi bằng rocket để gây cháy, chúng tôi đã chạy khỏi làng và bỏ trốn về bất cứ hướng nào có thể”- ông Abdul Goffar nói.
Người phát ngôn văn phòng Tổng thống Myanmar, ông Zaw Htay, cho biết trong tổng số 471 ngôi làng của người “Bengali” ở 3 khu vực thuộc bang Rakhine, 176 làng giờ đã hoàn toàn trống trơn trong khi có ít nhất 34 ngôi làng khác bị bỏ hoang một phần. Được biết, chính quyền Myanmar không công nhận người Rohingya là công dân, thường gọi họ là người Bengali. Chính quyền Myanmar còn cáo buộc người Rohingya đã tự thiêu nhà và làng của họ- một tuyên bố mà cơ quan nhân quyền LHQ chỉ trích là “hoàn toàn sai sự thật”.
Người phát ngôn của LHQ, Stephane Dujarric, trong hôm 15-9 đã nói trước báo giới tại trụ sở LHQ rằng 10.000 người được cho là đã băng qua biên giới Myanmar-Bangladesh chỉ trong vòng 24 giờ qua. Cùng với số lượng người Rohingya đã chạy trốn khỏi bạo lực ở Rakhine hồi tháng 10 năm ngoái, thì ước tính có khoảng 40% tổng số người Rohingya ở Myanmar giờ đã chạy sang Bangladesh.
Ước tính 60% số người Rohingya tới Bangladesh là trẻ em- ông Dujarric cho hay.
Bạo lực bùng phát
Cuộc khủng hoảng di cư bắt đầu từ ngày 25-8, khi nhóm phiến quân người Rohingya tấn công nhiều trạm gác cảnh sát. Quân đội Myanmar đã đáp trả bằng “các chiến dịch thanh trừng” để nhổ tận gốc rễ nhóm phiến quân. Tuy nhiên, nhiều người Rohingya nói rằng binh sỹ Myanmar nổ súng không phân biệt, đốt cháy nhà cửa làng mạc và đuổi họ khỏi làng. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong chiến dịch, phần lớn là người Rohingya, và nhiều người di cư cũng chịu các vết thương do đạn bắn.
Do đối mặt với làn sóng chỉ trích trên toàn cầu, lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tuyên bố sẽ không tham dự các vòng họp Đại hội đồng LHQ tổ chức từ ngày 19 đến 25-9 này, để tập trung đối phó với cái mà chính phủ của bà gọi là các vấn đề an ninh trong nước.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong tuần đã nói trước báo giới rằng việc thanh tẩy sắc tộc đang diễn ra nhằm vào người Rohingya ở bang Rakhine. Cụm từ “thanh tẩy sắc tộc” được xác định là một nỗ lực nhằm đuổi một nhóm thiểu số khỏi một khu vực- bằng cách di chuyển, trục xuất và thậm chí là giết chóc.
Tổ chức ân xá quốc tế hôm thứ Sáu vừa qua nói rằng họ đã thu được bằng chứng về một “chiến dịch đốt cháy làng mạc có hệ thống” mà lực lượng an ninh Myanmar gây ra nhằm vào hàng chục ngôi làng của người Rohingya trong 3 tuần qua. Hội đồng Bảo an LHQ cũng kêu gọi “các biện pháp chấm dứt bạo lực khẩn cấp” và đảm bảo việc bảo vệ thường dân.
Người thiểu số Rohingya đã đối diện với sự không công nhận quyền công dân ở Myanmar trong suốt nhiều thập kỷ dù đã có nguồn gốc ở bang Rakhine suốt nhiều thế kỷ.
Những người di cư Rohingya trên một chiếc thuyền gỗ để tới Bangladesh (Nguồn: AP).
Đói khát, bệnh dịch hoành hành
Hàng nghìn người Rohingya hàng ngày vẫn đổ tới Bangladesh trong tình trạng đói khát và chấn thương tâm lý. Nhiều người cần chăm sóc y tế tức thì vì các vết thương do tình trạng bạo lực gây nên, bệnh truyền nhiễm...
“Những người phụ nữ tới đây kiểm tra đều có vẻ mặt đầy mệt mỏi và suy kiệt”- Sumaya, một nhân viên làm việc tại trại tị nạn Nayapara dưới nguồn quỹ tài trợ của LHQ. “Chúng tôi thường được kể nhiều câu chuyện về việc họ phải đi bộ xuyên rừng, băng qua đồi trong nhiều ngày mà không có thức ăn, trong khi phải mang theo con cái”.
2 trại tị nạn được lập ra giờ đã trong tình trạng quá tải, và chính quyền Bangladesh nói rằng họ sẽ giải phóng thêm mặt bằng để xây dựng trại tị nạn thứ ba. Rất nhiều người Rohingya mới đến Bangladesh buộc phải ở trong các ngôi lều tự dựng ven đường hoặc trên cánh đồng. Gần trại tị nạn ở Balukhali, một số người Rohingya dựng lều tạm làm bằng tre và nhựa ngay bên sườn đồi. Trẻ em tị nạn ngày ngày phải đi lên đồi hứng nước mưa để lấy làm nước sinh hoạt. Thực phẩm, nước sạch và nhiều nhu yếu phẩm khác thiếu thốn hết mức.
Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra trong tuần khi các tình nguyện viên của trại tị nạn phân phát thực phẩm, nước uống và nhiều đồ dùng cần thiết khác từ các xe chở hàng. Giới chức địa phương đã sử dụng loa phóng thanh và còi để chỉ đạo phối hợp giữa các tình nguyện viên với các cơ quan cứu trợ để tránh tình trạng này.
“Những con người này đang sống trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ, phần lớn là nơi ở, thực phẩm và nước sạch”- Đại diện UNICEF tại Bangladesh, ông Edouard Beigbeder, cho hay. Cơ quan chăm sóc trẻ em của LHQ cho hay họ cần khoản tiền tài trợ ít nhất 7,3 triệu USD để giúp đỡ hàng trăm nghìn trẻ em tị nạn người Rohingya, đối tượng hiện đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các loại dịch bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước.
Trong chiều hôm 15/9, tình trạng hỗn loạn tiếp tục nổ ra tại một trung tâm tị nạn ở Kutupalong, khi một số người tị nạn cố gắng đột nhập vào trung tâm này và bị nhân viên an ninh trấn áp. Những người tị nạn này đột nhập vào trung tâm trên để nhận được sự chăm sóc y tế khi phải chờ quá lâu ở bên ngoài.
“Tôi mới chỉ được người ta phát cho một tấm chăn mỏng, chứ chưa được chút thức ăn nào”- Osman, 55 tuổi, người tị nạn đột nhập vào trung tâm nói. “Tôi cần có cơm ăn, tôi cần phải nuôi sống cả gia đình nữa. Họ nói với tôi rằng họ không thể phát cho tôi thêm gì khác. Giờ tôi sẽ ăn cái gì đây?”.
Người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn nói rằng viện trợ nhân đạo đối với người Rohingya ở Bangladesh sẽ gia tăng “rất, rất nhanh chóng”. Giải thích về chiến dịch viện trợ chậm trễ, ông Filippo Grandi nói rằng họ gặp phải nhiều khó khăn khi làm việc tại Bangladesh, nhưng bày tỏ sự hy vọng rằng điều đó sẽ thay đổi khi mọi người hiểu rõ hơn về quy mô của cuộc khủng hoảng này.
“Việc đảm bảo an ninh để người di cư trở về bang Rakhine là trách nhiệm của chính phủ Myanmar”- ông Grandi nói với hãng tin AP tại Hội thảo An ninh Stockholm, Thụy Điển.
Bangladesh hiện đã là nơi tạm trú của khoảng 500.000 người thiểu số Rohingya, những người đã chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực từ hồi năm 2012. Được biết, bang Rakhine của Myanmar có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Rohingya trước khi tình trạng bạo lực mới bùng phát trở lại cách đây 3 tuần lễ.