ĐBQH cảm thấy xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả.
Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
“Trong thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch. Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản và thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả”- ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nói trước Quốc hội.
Ông đưa ra phân tích: Ở nước ta, công nhân lao động chiếm khoảng 15% dân số, chiếm 27% lực lượng lao động nhưng có sứ mệnh lịch sử và sứ mệnh chính trị đặc biệt quan trọng và đóng góp cơ bản vào ngân sách cũng như GDP.
Trong tác phẩm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh chúng ta cần một xã hội, trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chúng ta cần sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Vì vậy, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Ông Nghĩa chỉ rõ: Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng trên thực tế, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022 cho thấy chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống, khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.
Trong 2 năm, 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay, nếu tính tổng vào năm 2020 là 2,31%, 2021 là 1,84% và 5 tháng đầu năm nay là 2,25% thì đã vượt quá con số 6% này.
Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thì thực tiễn là người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc, nhiều người lao động sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.
Nhấn mạnh “công nhân lao động cũng như nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của quốc gia, để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này”, ông Nghĩa đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, như quy định của Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố hoặc phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố nhằm tăng cường tính khách quan, khoa học, đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Trước đây chúng ta đã có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 ban hành theo Quyết định 579 ngày 19/4/2011 của Thủ tướng đến nay đã hết giai đoạn 2020 rồi, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết để ban hành chiến lược trong giai đoạn mới.
Trong chiến lược mới này phải phát huy tối đa được thế mạnh nguồn nhân lực của chúng ta trong thời kỳ dân số vàng và chú trọng đến việc phát triển nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ mai sau, nếu không có giải pháp để phát huy tối đa lợi thế dân số vàng trong thời kỳ hiện nay” - ông Nghĩa nói.