Sáng 2/7, Viện Kinh tế - Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa được kết nối lại – là một yếu tố tiếp tục làm cho chi phí vận chuyển đứng ở mức cao, dẫn đến giá nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa thể giảm giá như kỳ vọng.
Ổn định giá cả đang tạo dư địa tốt cho phục hồi tăng trưởng
Nhìn lại diễn biến giá trong 6 tháng đầu năm thấy rằng, mặt bằng giá theo hướng tăng cao theo quy luật trong dịp lễ, Tết và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3 và tháng 4 trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và tháng 6.
Trong 6 tháng đầu năm có thể kể đến một số yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá như: giá một số nguyên, nhiên, vật liệu có xu hướng tăng cao sau xăng, dầu, thép, vật liệu xây dựng, vật tư nông thôn; giá một số mặt hàng nông sản tăng như giá gạo, giá đường; nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết khiến mặt bằng giá tháng 2 ở mức cao song lại trở lại bình thường sau Tết; mức chi trả điện nước bình quân theo luỹ tiến tăng do nhu cầu sử dụng điện nước tăng.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Phòng Chính sách Tổng hợp, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng nói thêm những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh ổn định; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân; việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá; các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát.
Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, từ diễn biến lạm phát có thể thấy mặc dù nguy cơ lạm phát tăng cao trên nhiều khu vực trên thế giới song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và đã được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành giá do Ban chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm.
“Các chính sách, biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã được phát huy hiệu quả. Cùng với đó các biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khoá tiền tệ, thương mại đã giúp cho cung cầu nói chung cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở trạng thái tốt. Từ đó tạo dư địa cho Chính phủ triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng”, ông Nguyễn Xuân Định khẳng định.
Không thể chủ quan
Nhưng điều quan tâm hơn trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, 6 tháng cuối năm mặt bằng giá như thế nào? Điều hành giá sẽ gặp những thách thức gì? Chưa kể lạm phát thấp trong 6 tháng đầu năm nguyên nhân chính là do sụt giảm tổng cầu tiêu dùng trong nước, nhưng giá một số mặt hàng như vật liệu xây dựng , sắt thép tăng khá cao. Chẳng hạn như giá nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất 6 tháng tăng mạnh 4,79% là mức cao nhất từ năm 2013 đến nay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định điều hành giá không thể chủ quan. Vị chuyên gia này phân tích còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, mặc dù những tháng đầu năm CPI đã có những con số tương đối yên tâm so với mục tiêu cả năm 2021, nhưng cũng không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của 6 tháng cuối năm. Đó là những yếu tố như: tình hình địa chính trị thế giới, công tác chống dịch đang có những khó khăn chưa giải quyết được cơ bản và trong giai đoạn hiện nay đang có những diễn biến phức tạp ở từng khu vực...
“Riêng đối với Việt Nam, vì sự phụ thuộc 70-80% vật tư, năng lượng, nguyên nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên chắc chắn sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và một số năm tiếp theo”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra một số yếu tố khác phải quan tâm đó là: Các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của các nước, trong đó có Việt Nam làm cho tiềm năng tăng khá mạnh cũng dễ dẫn tới đẩy lạm phát tăng lên. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa được kết nối lại sẽ là một yếu tố tiếp tục làm cho chi phí vận chuyển logistics vẫn đứng ở mức cao chắc chắn giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa thể giảm giá theo mong muốn ngay được.
Tránh tình trạng khan hiếm đẩy tăng giá đột biến
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, nếu kiểm soát lạm phát một cách thận trọng, chủ động, thậm chí chúng ta có thể đạt CPI cả năm dưới 3%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá. Theo đó, CPI của tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng cao 1,52%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%. Từ đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Muốn làm được điều đó, ông Lê Quốc Phương cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến giá cả ung cầu các mặt hàng thiết yếu; không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, cần điều hành tốt giá một số mặt hàng như: sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản; cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nên CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát bình quân cả năm 2021 ở mức 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.
Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, phân tích khá cụ thể rằng, tổng cầu tiêu dùng nội địa yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Và mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được song tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng!
Những kịch bản cho lạm phát
Qua tính toán, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%. Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng đưa ra hai kịch bản cho CPI năm 2021. Theo ông, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức từ 6,8 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ ở khoảng từ 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế tăng trưởng ở mức từ 7 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức từ 3,8 - 4,0%.
Còn Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cuối năm:
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế 6% với điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không buộc phải giãn cách xã hội, thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% và quý IV tăng 6,5%.
Kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% với điều kiện dịch phải được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh thành phố lớn không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Mức tăng trưởng cần đạt trong quý III và IV lần lượt là 7% và 7,5%.