Mặt trận

60 năm Báo Giải Phóng - mốc son để vinh danh

Lê Ái 25/01/2024 07:52

Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Giải Phóng (20/12/1964 - 20/12/2024) chính là một mốc son để Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Đây là sự tri ân xứng đáng cho những người làm báo đã sống, cống hiến cả tuổi thanh xuân và anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang, vì hòa bình độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển, trường tồn của dân tộc.

anh-bai-duoi(3).jpg
Những tờ Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay bạn bè trên thế giới. Ảnh: Tư liệu.

Tờ báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Chính vì thế, Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới. Cùng với Thông tấn xã Giải Phóng; Đài Phát thanh Giải Phóng, Báo Giải Phóng là một trong ba cơ quan truyền thông quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các nhà báo không chỉ tác nghiệp tin bài mà còn tự thu xếp việc in ấn, chuyển phát báo tới độc giả. Điều đặc biệt hơn nữa, Báo Giải Phóng không chỉ là cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, báo còn phản ánh tiếng nói và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Từ ngày 6/6/1969, báo còn là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Giữa lúc chiến tranh ác liệt, đã có thời điểm, Báo Giải Phóng mất nhà in và phải tạm đình bản trong khi bài vở, tin tức của phóng viên từ các mặt trận chuyển về rất nhiều. Ban Biên tập Báo Giải Phóng quyết định ra “báo nói”, nghĩa là tờ báo vẫn được biên tập đầy đủ các trang mục nhưng không in mà phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng như điểm báo. Quân và dân ta cũng như bạn bè vui mừng và yên lòng khi thấy Báo Giải Phóng vẫn còn “sống”.

Sau ngày giải phóng, cán bộ Báo Giải Phóng còn xuất bản tờ báo mới mang tên Sài Gòn Giải Phóng. Số đầu tiên ra ngày 5/5/1975, in màu, 8 trang khổ lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân miền Nam vừa được giải phóng. Ngày 27/7/1975, Báo Giải Phóng bàn giao việc xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng cho Thành ủy Sài Gòn, đồng thời trước đó cho ra mắt Báo Giải Phóng bộ mới vào ngày 22/7/1975, tiếp tục phục vụ nhiệm vụ thời hậu chiến của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cùng với Báo Cứu Quốc ở miền Bắc, Báo Giải Phóng ở miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng hợp nhất thành Báo Đại Đoàn Kết.

Báo Giải Phóng ra đời trong chiến tranh và kết thúc nhiệm vụ sau ngày đất nước thống nhất. Dù chỉ sống cuộc đời vỏn vẹn hơn một thập kỷ, nhưng Giải Phóng là một tờ báo Anh hùng với những người làm báo quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam - dấu mốc quan trọng trong hành trình 82 năm hình thành và phát triển của tờ báo Mặt trận. Tờ báo và những người làm Báo Giải Phóng chính là sự hiện hữu cả một chặng đường gian khổ và vinh quang trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập tự do của dân tộc.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tờ báo và những người trực tiếp làm Báo Giải Phóng vẫn chưa được vinh danh xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của mình.

Hai trong ba cơ quan truyền thông quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam ngày ấy là Đài Phát thanh Giải Phóng và Thông tấn xã Giải Phóng đều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Giải Phóng cũng rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, được sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta thực sự tự hào về những đóng góp đáng trân trọng của Báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; biết ơn những cống hiến, hy sinh to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giải Phóng - những người đã viết báo, làm báo và chiến đấu anh dũng kiên cường trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vì độc lập, tự do, vì hòa bình thống nhất để non song gấm vóc Việt Nam nối liền một dải. Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước để Báo Giải Phóng được vinh danh xứng đáng với những cống hiến của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    60 năm Báo Giải Phóng - mốc son để vinh danh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO