Mặt trận

Họp mặt truyền thống báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú

THÀNH LUÂN 17/12/2023 18:25

Ngày 17/12, tại TP HCM, Ban Liên lạc báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú (các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục miền Nam) tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm, với sự tham dự của khoảng 30 cán bộ, nhân viên, nhà báo lão thành và thân nhân các liệt sĩ của hai cơ quan.

W_z4982727707978_6a0c842c706df7532f751b170bfb3f7e.jpg
Luật sư Trương Trọng Nghĩa và Nhà báo Phương Hà, nguyên phóng viên báo Giải phóng thắp nén hương tưởng nhớ những đồng nghiệp, đồng đội đã hi sinh trong kháng chiến và qua đời từ sau giải phóng 1975 đến nay.

Buổi họp mặt truyền thống còn có sự tham dự của nhiều nhà báo lão thành, như: Nhà báo Nguyễn Hồ, nguyên phóng viên báo Giải phóng, nguyên Phó Giám đốc Đài truyền hình TP HCM; Nhà báo Phương Hà, nguyên phóng viên báo Giải phóng; Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TP HCM, nguyên phóng viên báo Giải phóng; Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ TP HCM, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Thành Hội Phụ nữ;...

Nhân sự kiện rất ý nghĩa này, báo Đại Đoàn Kết đã gửi lẵng hoa chúc mừng buổi họp mặt.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Sáu Kiệt (73 tuổi, Trưởng Ban liên lạc báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú tại TP HCM) chia sẻ: dù đã gần 60 năm trôi qua, thế nhưng những người làm báo, cán bộ, nhân viên, công nhân của hai cơ quan báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú vẫn không thể nào quên những năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong đó có đóng góp xương máu của biết bao thế hệ những đồng đội là cán bộ, chiến sĩ, liệt sĩ của hai cơ quan.

Ở giai đoạn lịch sử ấy, báo Giải phóng là cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nay là báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan của Trung ương MTTQ Việt Nam; còn Nhà in Trần Phú thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

W_z4983041840143_0a78addcd00144dc483db949dc8382d6.jpg
Không gian giản dị do ông Sáu Kiệt cùng gia đình bày trí để tưởng nhớ những người làm báo và cán bộ, công nhân Nhà in Trần Phú đã hi sinh vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc.

Tại buổi họp mặt, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhớ lại, trong những năm tháng rất khó khăn ấy, nhưng báo Giải phóng vẫn vượt qua để ra số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 tại chiến khu R của Trung ương cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh. Sự kiện một tờ báo chính thống của Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời đã đáp ứng sự trông đợi của nhân dân hai miền Nam - Bắc, nhất là đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam lúc bấy giờ.

Giai đoạn từ năm 1964 đến ngày 30/4/1975, báo Giải Phóng có hơn 200 cán bộ, nhân viên, phóng viên, trong đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh, được phong tặng liệt sĩ, như Nguyễn An Liêu (phóng viên, đội viên du kích, hi sinh trận cần Gian-Xơn-City 1967); các phóng viên Nguyễn Cảnh Hân, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Huân Phương (hi sinh trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968);...

"Nhiều liệt sĩ đã hi sinh, những người sau Giải phóng cũng đã mất vì bệnh tật, tuổi tác, đến nay chỉ còn hơn 30 người là những nhân chứng lịch sử, trẻ nhất cũng U70", LS Trương Trọng Nghĩa xúc động chia sẻ. Ông cũng cho biết, trong số những nhà báo nổi tiếng của báo Giải phóng cho đến nay vẫn còn miệt mài cống hiến, cụ Thái Duy (Trần Đình Vân), đã ngót 100 tuổi, đang ở Hà Nội và còn rất minh mẫn. Nhà báo Thái Duy là một trong 3 nhà báo đầu tiên được Trung ương Đảng cử vào Nam Bộ năm 1964 để thành lập báo Giải phóng. Đặc biệt, còn có Nhà báo Nguyễn Kim Toàn (Cao Kim, sinh năm 1940) hiện vẫn đang sống khỏe mạnh tại Hải Phòng. Ông vượt Trường Sơn vào Nam năm 1965, là phóng viên báo Giải Phóng, tham gia tổng tấn công Mậu Thân ở Sài Gòn năm 1968 và từng “được chính thức báo tử” vì nhầm lẫn. Nhà báo Cao Kim là bố của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Xúc động tại buổi họp mặt, Nhà báo Nguyễn Hồ, nguyên Biên tập viên báo Giải Phóng kể lại kỷ niệm cùng các đồng nghiệp và ekip thực hiện bộ phim tài liệu “Giải Phóng - Tờ báo trên tuyến lửa” dài 26 phút của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện (Nhà báo Nguyễn Hồ chủ biên).

"Chúng tôi đã cố gắng dùng những tư liệu hình ảnh sống động từ thời chiến tranh, lời kể trực tiếp của người trong cuộc đã từng tham gia làm báo từ những ngày đầu, cũng như điểm lại quá trình phát triển của báo Giải Phóng trong hơn 10 năm hoạt động. Xúc động hơn cả là đoạn cuối phim nói lên tâm sự của những nhà báo tuổi cao, sức yếu rằng ký ức tốt đẹp về Báo còn đó, nhưng thế hệ những người làm báo Giải Phóng ngày một ít đi", Nhà báo Nguyễn Hồ xúc động.

W_unnamed.jpg
Ông Sáu Kiệt, nguyên thợ sắp chữ của Nhà in Trần Phú, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, hiện nay là Trưởng Ban Liên lạc báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú tại TP HCM.

Tham dự buổi họp mặt đầy ý nghĩa, Nhà báo Phương Hà, nguyên phóng viên báo Giải phóng, nguyên Ủy viên Ban Biên tập, nguyên Trưởng Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại TP HCM là người chắp nối hai thế hệ nhà báo trẻ Đại Đoàn Kết với những thế hệ nhà báo lão thành báo Giải phóng từ nhiều năm qua, kể cả khi đã nghỉ hưu.

"Dù đã tuổi già sức yếu, nhưng bản thân tôi vẫn luôn sôi nổi tuổi nghề. Mong muốn những thế hệ phóng viên, nhà báo trẻ về sau có sự gắn kết với thế hệ đi trước. Từ đó, phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, vừa là cách tri ân ý nghĩa nhất đối với những thế hệ nhà báo, cán bộ, nhân viên báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước", Nhà báo Phương Hà bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họp mặt truyền thống báo Giải phóng và Nhà in Trần Phú

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO