Những bài học cuộc đời của huyền thoại Walt Disney có thể là những kinh nghiệm tuyệt vời cho mỗi chúng ta.
Người yêu điện ảnh không xa lạ gì với hãng phim Disney - một “ông lớn” của điện ảnh thế giới. Hãng phim thuộc về tập đoàn Walt Disney với tổng giá trị vào khoảng 45 tỷ USD. Walt Disney thuộc vào nhóm những công ty truyền thông lớn nhất thế giới, tạo nên những sản phẩm văn hóa - giải trí làm nên tuổi thơ của hàng triệu trẻ em, là một phần của văn hóa đại chúng quốc tế. Nói một cách đơn giản, Walt Disney là một trong những công ty nổi tiếng nhất, được biết đến nhiều nhất.
Và tất cả những thành tựu đó bắt đầu từ một người đàn ông - Walt Disney (1901-1966) - một nhà làm phim, một doanh nhân huyền thoại. Không nhiều người có khả năng thay đổi thế giới, và Walt Disney là một trong số đó.
Ông đã chứng minh một cách hùng hồn bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, rằng xuất thân, khởi điểm của một người chưa chắc đã quyết định hoàn toàn tương lai, vận mệnh của người đó.
Những bài học cuộc đời của Walt Disney, huyền thoại trong giới làm phim, có thể là những kinh nghiệm tuyệt vời cho mỗi chúng ta.
1. “Tôi sẽ nói thẳng rằng vấn đề lớn lớn nhất của tôi trong suốt cuộc đời, đó là tiền. Cần phải có nhiều tiền để biến giấc mơ thành hiện thực”
Như Walt Disney đã nói, ước mơ cũng cần có tiền để thực hiện, và tiền đến từ những sản phẩm được thị trường đón nhận. Walt đã luôn tin tưởng vào bản thân mình, thậm chí, ông khiến ước mơ của mình thuyết phục được cả những người khác tin theo. Trong quá trình thực hiện phim hoạt hình “Snow White” (Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn - 1937), Walt đang rất cần vốn.
Bộ phim khi đó bị xem là một kế hoạch mạo hiểm điên rồ, ngay cả gia đình cũng nài nỉ ông hãy từ bỏ kế hoạch ngốn tiền này, nhưng Walt không nản lòng. Ông đã tự mình đi tới gặp các nhà đầu tư, cho họ xem những thước phim “thô”, thuyết phục họ hãy cùng rót thêm tiền làm phim.
“Snow White” khi ra rạp ngay lập tức trở thành phim ăn khách, mở ra thời đại vàng của phim hoạt hình.
2. “Bạn có thể thiết kế, sáng tạo, xây dựng nên nơi tuyệt diệu nhất thế giới. Nhưng bạn vẫn cần phải có những người khác để biến giấc mơ đó thành hiện thực”
Khả năng lãnh đạo của Walt Disney còn nằm ở việc ông là một người kể chuyện thiên tài. Việc giải thích cho nhân viên của mình biết cần phải làm gì là một chuyện; việc truyền cảm hứng cho họ để thực hiện lại là chuyện khác. Walt Disney biết cách kể cho nhân viên của mình những câu chuyện của ước mơ.
Ông đi vào từng chi tiết của giấc mơ và khiến nó trở nên sống động trong trí óc của các cộng sự. Ông truyền cảm hứng cho nhân viên, biến họ trở thành một phần của giấc mơ và nhờ đó, ông nhận được sự cống hiến tận tụy.
Khi Walt Disney truyền cảm hứng cho các họa sĩ hoạt họa thực hiện bộ phim hoạt hình “Snow White”, ông đã tự mình nhập vai các nhân vật, học thuộc lời thoại, thực hiện các chuyển động thực tế để truyền đạt được sống động điều ông muốn.
3. “Mỗi khi có đi dạo, tôi luôn nghĩ về những điều chưa ổn trong công việc của mình và tìm cách để cải thiện chúng”
Bộ phim hoạt hình “Steamboat Willie” (Tàu hơi nước Willie - 1928) là bộ phim hoạt hình đầu tiên được lồng tiếng đồng bộ từ đầu tới cuối, bao gồm cả lồng tiếng cho nhân vật và lồng nhạc. Ngay từ đầu, Walt Disney đã hiểu rằng lồng tiếng đồng bộ chính là tương lai của điện ảnh.
Chính ông là người nhất quyết yêu cầu bộ phim phải được lồng tiếng đồng bộ và lồng cả nhạc phim - những điều vốn còn xa lạ với phim hoạt hình thời điểm đó. Tới “Snow White” (1937), công chúng lại lần đầu tiên được biết tới một phim hoạt hình dài tựa phim điện ảnh, trước đó, phim hoạt hình chỉ toàn phim ngắn.
Sau thành công của “Snow White”, nền công nghiệp làm phim hoạt hình thay đổi, đưa tới thành công của hàng loạt phim hoạt hình Disney kinh điển ra đời sau đó.
4. “Chúng ta phải tiếp tục bước về phía trước, mở ra những cánh cửa mới, làm những điều mới, bởi chúng ta tò mò, và tò mò sẽ mở ra những con đường mới”
Walt Disney rất mạo hiểm trong công việc. Nhiều lần, tương lai của công ty bị đặt vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” với những thương vụ lớn mà Walt Disney theo đuổi. Có những thời điểm, ông phải cầm cố nhà cửa, phải bán tài sản cá nhân. Walt Disney không bao giờ làm điều gì nửa vời và cũng không mạo hiểm mù quáng.
Ông tính toán các phương án và luôn lựa chọn cách hành động dứt khoát, một khi đã ra quyết định, sẽ không bao giờ thoái chí.
Năm 1955, công viên Disneyland là lần đặt cược sống còn của ông. Để xây dựng nên công viên đầu tiên, ông đã phải vật lộn để tìm được nguồn kinh phí. Gia đình, thậm chí đối tác của ông cũng không đặt hẳn niềm tin vào kế hoạch này. Nhiều người khuyên ông nên từ bỏ. Ở thời điểm đó, chưa có một công viên nào dạng như Disneyland tồn tại.
Vì vậy, người ta thấy kế hoạch của Walt Disney quá mông lung. Dù vậy, Walt quyết thực hiện đến cùng. Nếu công viên Disneyland khi đó không ăn nên làm ra, Walt Disney hẳn đã phá sản. Nhưng ngày nay, các công viên Disney vẫn đưa về những khoản lợi nhuận khổng lồ và thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.
5. “Tất cả những trải nghiệm đa dạng tôi có trong đời, bao gồm cả những rắc rối và trở ngại, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi… Bạn có thể không nhận ra ngay, nhưng một cú đấm vào mặt đôi khi cũng có thể là điều tốt”
Walt Disney từng có khởi đầu khó khăn khi ông bị một tờ báo sa thải với lý do “thiếu sức sáng tạo và không có đề tài hay”. Một cánh cửa đóng lại, nhiều cánh cửa mở ra. Thất bại với nghề báo đã giúp Walt Disney lần mò sang kinh doanh.
Dù cũng phải trải qua nhiều thất bại và phá sản vài lần, nhưng với quyết tâm cố gắng và sự kiên trì, cuối cùng, Walt Disney đã tìm ra công thức của sự thành công.
Trước khi đạt được thành công lớn, Walt Disney thất bại nhiều. Studio đầu tiên của ông - Laugh O’ Grams - không tạo ra lợi nhuận. Đã có lúc Walt Disney mất tất cả, mất xưởng phim, mất thiết bị, các cộng sự bỏ đi. Nhưng từ đống tro tàn thất bại, ông đã tiếp tục dấn bước để tạo nên những nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất.
6. “Khi bạn tin vào một điều gì đó, hãy luôn tin tưởng suốt chặng đường. Tin tưởng hoàn toàn, tuyệt đối, và đừng bao giờ hoài nghi”
Walt Disney có một mối quan hệ đặc biệt với em trai Roy Disney. Walt thường vạch ra ý tưởng mới với Roy. Roy thường sẽ là người đầu tiên phản đối và thuyết phục anh trai không nên mạo hiểm. Nhưng lần nào Walt cũng mạo hiểm, Roy cuối cùng đành nhượng bộ và cùng anh bắt tay vào việc.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Walt chứng kiến nhiều sự phản đối, những lời khuyên từ bỏ, những ý kiến gây nản lòng. Ông được khuyên không nên làm phim hoạt hình điện ảnh bởi không ai có đủ kiên nhẫn để xem một phim hoạt hình dài.
Ông được khuyên không nên pha trộn giữa nhân vật hoạt hình và diễn viên người thật, nhưng cho tới hôm nay, đó vẫn là một ý tưởng tuyệt vời đang giúp Disney ăn nên làm ra. Walt cũng được bảo công viên Disneyland sẽ lỗ nặng. Người ta cũng bảo ông chuột Mickey là một ý tưởng tồi bởi mọi người đều sợ chuột.
Walt Disney chỉ đơn giản chứng minh rằng việc chưa từng được làm không có nghĩa là không thể làm. Walt Disney là người luôn ước mơ lớn. Ông có một niềm tin không thể lay chuyển vào bản thân và vào điều mà mình đang làm.
Vào ngày mở cửa khu phức hợp giải trí Disney World ở bang Florida (Mỹ) năm 1971 (5 năm sau khi Walt Disney qua đời), đã có người nói với giám đốc sáng tạo khi đó - ông Mike Vance rằng thật tiếc vì Walt Disney không còn sống để thấy công trình. Vance đáp lại: “Ông ấy đã thấy rồi. Đó chính là lý do tại sao công trình có thể ở đây hôm nay”.
7. “Sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại thường là không bỏ cuộc”
Trước khi nhận được sự đồng ý hợp tác của đối tác đầu tiên trong việc rót vốn xây dựng công viên Disneyland, Walt Disney đã từng đi thuyết phục các nơi và bị từ chối đên 302 lần. Sự kiên trì, bền bỉ chính là một năng lực quan trọng của Walt để ông có thể chịu đựng và đứng lên từ nghịch cảnh.
Walt không bao giờ bỏ cuộc bởi ông tin vào bản thân và những giấc mơ của mình, chính điều đó đã giúp ông làm việc hết mình và biến những điều không thể thành có thể.
TheoVOV