Sau cuộc trò chuyện chỉ khoảng 7 phút hôm đó với họa sĩ Nguyễn Sáng, về nhà tôi cứ ngẫm mãi, nghĩ mãi câu nói của họa sĩ. Và nhận thấy, đúng như lời họa sĩ Nguyễn Sáng nói, vẽ như thế thì khó giữ cảm xúc thật....
PV: Trong con đường hội họa, họa sĩ Công Quốc Hà có ít nhiều ảnh hưởng từ danh họa Nguyễn Sáng. Chắc hẳn ông có kỷ niệm riêng với họa sĩ Nguyễn Sáng?
Họa sĩ CÔNG QUỐC HÀ: Từ lúc là sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tôi đã ngưỡng mộ họa sĩ Nguyễn Sáng vì phong cách vẽ. Bản thân học về sơn mài nên tôi càng thích khi có điều kiện xem những bức của chú Sáng trong bảo tàng. Nhưng tôi ít có điều kiện gặp gỡ trực tiếp họa sĩ. Dường như ông không thích tiếp xúc, nhất là với đám trẻ. Chú sống khép kín, dành nhiều thời gian để suy tư và vẽ.
Mặc dù chỉ gặp chú đôi ba lần, nhưng tôi có một kỷ niệm nhỏ, rất sâu sắc với họa sĩ Nguyễn Sáng. Vào năm 1982, trước Tết âm lịch Nhâm Tuất, tôi có dịp đến thăm chú ở 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội).
Khi tôi đến thăm thì thấy một bức vóc để dưới đất, vẽ nét phấn lên trên. Họa sĩ Nguyễn Sáng hỏi tôi, trong trường ai dạy sơn mài? Tôi nói, cháu học thầy Kim Đồng. Họa sĩ Nguyễn Sáng bảo: “Kim Đồng dạy thì tốt rồi”. Tôi quay lại tấm vóc dưới đất có vẽ nét phấn hỏi: Sao chú lại vẽ phấn lên vóc? Xong là vẽ luôn ạ?
Chú Sáng nói ngay: Cái dở của trường mỹ thuật là dạy sinh viên vẽ phác thảo sau đó lấy giấy can can lại. Rồi từ giấy can đó lại đồ lên tấm vóc. Như thế là giết cảm xúc.
Sau cuộc trò chuyện chỉ khoảng 7 phút hôm đó với họa sĩ Nguyễn Sáng, về nhà tôi cứ ngẫm mãi, nghĩ mãi câu nói của họa sĩ. Và nhận thấy, đúng như lời họa sĩ Nguyễn Sáng nói, vẽ như thế thì khó giữ cảm xúc thật. Vẽ là phải trực tiếp điều chỉnh bằng cái nét bút của mình trên tấm vóc. Và như thế tốt nhất là vẽ phác bằng phấn. Từ đó trở đi tôi không dùng giấy can để vẽ nữa.
Họa sĩ Công Quốc Hà tự nhận giai đoạn nào ông ảnh hưởng nhiều của bậc thầy Nguyễn Sáng?
- Những năm 1980, 1990, tôi vẽ sơn mài truyền thống nhiều, và đó cũng chính là thời gian tôi có ảnh hưởng của họa sĩ Nguyễn Sáng. Từ khi còn ngồi trong trường mỹ thuật, tôi đã yêu thích cách vẽ, cách giải quyết bố cục của chú Sáng. Tuy rằng họa sĩ Nguyễn Sáng không trực tiếp dạy tôi một ngày nào cả, nhưng tôi coi chú là người thầy tinh thần của mình.
Trong cuộc đời hội họa của mình, họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ không nhiều tác phẩm, nhưng thầy rất công phu cho việc chuẩn bị ý tưởng khi xây dựng một tác phẩm. Trên ý tưởng đó, thầy mới tìm ra bố cục để hoàn thành những tác phẩm mà đến nay ta thấy như những mốc son của hội họa Việt Nam, chẳng hạn như bức “Nghỉ trưa”, “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ”, hay những bức tranh thiếu nữ: “Cô Thủy”…
Xin cảm ơn chia sẻ của họa sĩ Công Quốc Hà!