Theo kết quả nghiên cứu quốc gia của Bộ Y tế vừa công bố, tại Việt Nam tỉ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỉ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỉ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỉ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.
Một nửa số người mắc bệnh đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam. Các bệnh lý không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế. Cụ thể tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y tế, tỉ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỉ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỉ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỉ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, bệnh đái tháo đường trong đó chủ yếu là đái tháo đường tuýp 2 thường được phát hiện muộn với những biến chứng nặng nề, chi phí điều trị và quản lý bệnh rất tốn kém. Bệnh đang trở thành dịch bệnh nguy hiểm trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đái tháo đường không chỉ làm sức khỏe của người bệnh dần suy kiệt mà họ còn phải đồng chi trả chi phí lớn trong điều trị bệnh và các biến chứng. Theo ước tính có 9,3% người trưởng thành từ 20-79 tuổi mắc bệnh đái tháo đường ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tương ứng với 153 triệu người mắc bệnh đái tháo đường ở khu vực này. Trong đó có trên 50% người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán, đáng chú ý là 61% sống ở các thành phố và đô thị lớn, 80% người mắc bệnh đái tháo đường sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo dự đoán của các chuyên gia y tế thế giới, trong vòng 20 năm tới bệnh sẽ tăng 42% ở các nước công nghiệp phát triển, trong khi những nước đang phát triển tỉ lệ bệnh sẽ tăng tới 170%. Cứ 10 người lớn sẽ có 1 bệnh nhân đái tháo đường vào năm 2045. Tuy nhiên, có đến một nửa số người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, không biết mình mắc bệnh. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Trong khi đó, 70% trường hợp đái tháo đường týp 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn nếu duy trì thực hiện các lối sống lành mạnh.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh, chiếm 5.5% dân số và có thể tăng đến hơn 6 triệu người vào năm 2045. Chi phí y tế cho bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam năm 2018 là hơn 5.300 tỉ đứng thứ 3 sau chi phí cho bệnh ung thư và tim mạch.