Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng công suất xử lý nước thải trên địa bàn thành phố là 276.300 m3/ngày/đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Như vậy, có tới 78,2% lượng nước thải trên địa bàn Thủ đô chưa được thu gom, xử lý.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng công suất xử lý nước thải trên địa bàn thành phố là 276.300 m3/ngày/đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.
Hiện trên địa bàn thành phố có 7 nhà máy/trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ), với tổng công suất là 276.300 m3/ngày/đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.
Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm sông, hồ nhiều năm qua ở Hà Nội là do nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh và nước thải của khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng vào mà không qua xử lý làm sạch.
Về thực trạng kể trên, TS Đào Trọng Tứ cho biết: Thủ đô Hà Nội hiện có nhiều nhà máy xử lý nước thải nhưng chỉ với công suất nhỏ, đáp ứng xử lý được khoảng 25 đến 30% lượng nước thải đô thị, lượng nước thải còn lại vẫn đang được xả thẳng ra các sông, hồ. Đây là một trong những nguồn nước thải có khối lượng và nồng độ ô nhiễm cao, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của thành phố, đặc biệt là suy thoái nguồn nước.
Theo khảo sát thực tế của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, hiện lượng nước thải đô thị, chủ yếu được xả thẳng ra các hệ thống thoát nước thải chung ở 4 con sông lớn trên địa bànThủ đô Hà Nội, bao gồm sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ và sông Nhuệ.
Và cũng xuất phát từ thực trạng phải tiếp nhận khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra môi trường, đã khiến những con sông kể trên, ngày một ô nhiễm ở mức báo động. Những người dân sinh sống dọc hai bên bờ những con sông này chưa bao giờ hết bức xúc về vấn nạn ô nhiễm, mùi hôi thối bốc ra từ dòng nước đen ngòm.
PGS.TS Trần Đức Hạ, một trong những chuyên gia hàng đầu về cấp thoát nước và môi trường, thẳng thắn chia sẻ, 22% nước thải được xử lý tại 7 nhà máy trên địa bàn TP Hà Nội chỉ là lý thuyết. Trong thực tế, những con số này thấp hơn nhiều. Lý do là vì hệ thống thu gom của các nhà máy còn chưa đồng bộ.
Hiện có 7 nhà máy trong đó bao gồm: Nhà máy xử lý nước thải Hồ Bảy Mẫu thu gom được hầu hết nước thải của lưu vực Bà Triệu với công suất xử lý 133.000 m3/ngày/đêm; Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000 m3, nhưng thu gom được 8.000 - 9.000 m3/ngày/đêm; Nhà máy xử lý nước thải Kim Liên xử lý được 3.700 m3/ngày/đêm; Nhà máy Trúc Bạch là 2.300 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải của Bắc Thăng Long Vân Trì công suất 42.000 m3/ngày/đêm, nhưng chỉ mới thu gom được 7.000 m3/ngày/đêm.
Với Nhà máy Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Hà Nội với công suất 200.000 m3/ngày/đêm, ông Hạ đánh giá đây là nhà máy mới, với công suất lớn nhưng chưa thu gom được nhiều. Dù hoạt động xử lý tốt nhưng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở lấy nước từ sông để xử lý và chưa có hệ thống thu gom nên chưa hiệu quả.
Theo nguyên tắc xử lý nước thải, thì nước thải sẽ được thu gom và lọc đến các hệ thống xử lý nước thải riêng sau đó mới xả thải ra các hệ thống xả thải chung như sông, hồ, ao... Nhưng hiện nay, ở Hà Nội, hệ thống xả thải chung thường xuyên là nơi tiếp nhận nước thải chưa được qua xử lý.
Còn theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, xu hướng sử dụng các biện pháp công trình, kỹ thuật để ứng phó với ngập lụt đô thị, giảm thiểu tác động của ngập lụt tới xã hội đang trở nên phổ biến. Xu hướng này dẫn tới việc xây dựng các giải pháp công trình, công nghệ như: Tường ngăn lũ, đắp đê hoặc xây hệ thống thoát nước có thể góp phần phát triển đô thị nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro là hệ thống này không đủ sức chống chịu với lũ lụt, nhất là khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra.
Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải theo quy hoạch bằng nguồn vốn đầu tư công, gồm: Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở; Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng (quận Hà Đông); Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Tây sông Nhuệ.
Đồng thời, thành phố kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); Xây dựng hệ thống xử lý nước thải An Lạc (quận Long Biên); Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Phúc Đồng (quận Long Biên).
Bên cạnh đó, chính quyền TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ xử lý nước thải 50% - 55%.
Được biết, thời gian qua, công tác triển khai xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, một trong những công trình trọng điểm cải thiện môi trường của TP Hà Nội, được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao. Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy công suất 270.000 m3/ngày/đêm và 3 gói thầu thu gom nước thải gắn với sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần sông Nhuệ và các khu đô thị mới.
Dự án này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ… Được biết, Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ đồng bộ cả 4 gói thầu, phấn đấu hoàn thành gói thầu số 1 trong quý I-2022.