Phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng có diễn biến trái chiếu, nơi giảm nhẹ, nơi tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay.
SHB: Lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10%
SHB là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023. Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 11/4 vừa qua, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà đã chia sẻ với cổ đông về tình hình kinh doanh quý đầu năm của ngân hàng với tăng trưởng vốn trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6% và lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc SHB cũng tiết lộ, mức room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp vào hồi đầu năm là 7,9%, tới ngày 31/3/2023 tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng đã đạt gần 6%.
Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận mà SHB đề ra là 10.285-10.626 tỷ đồng (2 kịch bản) trong năm nay, ngân hàng này đã thực hiện được 35% kế hoạch cả năm.
ACB: Lợi nhuận đạt 5.120 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 13/4, Tổng Giám đốc ngân hàng ACB Từ Tiến Phát cũng tiết lộ, lợi nhuận quý 1/2023 tại ngân hàng đạt 5.120 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm.
Ngoài ra, huy động vốn tại ngân hàng này cũng tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước. Tỷ lệ LDR ở mức 78% và tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 13,1%. Riêng tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ 0,6%.
VPBank: Lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ đạt 4.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, quý 1, ngân hàng mẹ VPBank có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%. FE Credit vẫn còn khó khăn, không có lãi quý 1 và không hoàn thành kế hoạch.
Như vậy, lợi nhuân quý 1 năm nay của VPBank thấp hơn nhiều so với mức hơn 10.500 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quý 1/2022, VPBank ghi nhận khoản thu đột biến hơn 5.500 tỷ đồng từ ký kết bancassurance với AIA. Nếu so với quý 1 của các năm trước, VPBank vẫn đang tăng trưởng dương.
Kết thúc quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của VPBank đã lên 2,6%, so với mức 2,19% cuối năm trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý 2 tới. Dù vậy, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngân hàng sẽ có các biện pháp kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần từ quý 3.
Eximbank: Lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng
Ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, ngân hàng có những phương án để đạt được mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ trong năm nay. Kết quả kinh doanh quý 1 vẫn đang theo lộ trình này, với mức lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỷ.
PGBank: Lợi nhuận trước thuế tăng 20%, nợ xấu giảm
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của PGBank đạt 391 tỷ đồng, tăng 11,6% so với quý 1/2022. Chi phí hoạt động tăng 22% lên 186 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 27% xuống còn 51 tỷ. Theo đó, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 ở mức 153 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ.
Nợ xấu nội bảng của ngân hàng cuối tháng 3 là 718 tỷ đồng, giảm 26 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,56% xuống 2,47%.
BacABank: Lợi nhuận tăng 36%, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của BacABank đạt 335 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản BacABank đạt 133.851 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,15% xuống 93.975 tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9% lên 101.654 tỷ.
Nợ xấu BacABank ở mức 532 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng từ mức 0,55% hồi đầu năm lên 0,57% vào cuối tháng 3. Đây là mức nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Saigonbank: Lợi nhuận tăng 6% so với cùng kỳ
Lợi nhuận hợp nhất Quý 1/2023 của Saigonbank đạt 104,86 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,3% trên tổng dư nợ với số tuyệt đối là hơn 432 tỷ đồng.
LienVietPostBank: Lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ
Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 đạt 1.566 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt lần lượt 337.196 tỷ đồng và hơn 25.298 tỷ đồng.