Điều mà nước Đức và người Đức lo ngại nhất đã xảy ra khi chiếc xe tải lao vào khu chợ Noel ở trung tâm thủ đô Berlin. Cách thức khủng bố này lặp lại vụ khủng bố ngày 14-7 năm nay tại thành phố Nice của Pháp.
Vụ khủng bố xe tải lao vào khu chợ Noel tại Đức.
Về chính trị nội bộ, an ninh và tâm lý, vụ khủng bố này đối với nước Đức có tác động tương tự như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đối với nước Mỹ. Đối với nước Đức và cả châu Âu, mối lo ngại sâu sắc về nguy cơ tấn công khủng bố đã trở thành cơn ác mộng không chỉ không biết đến khi nào mới tan biến mà còn bất cứ khi nào cũng có thể trở thành hiện thực.
Vụ việc này có liên quan trực tiếp đến vấn đề người tỵ nạn ở nước Đức và châu Âu, tới sự lây lan nguy cơ khủng bố ở châu Âu mà thủ phạm là những phần tử và tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Nó liên quan đến cuộc đối đầu giữa Phương Tây mà nước Đức là một bộ phận với đạo Hồi cả về ý thức hệ lẫn vũ trang. Mức độ của khủng bố càng gia tăng, bản chất của khủng bố càng thêm quyết liệt khi gắn kết vụ khủng bố ở thủ đô Berlin của nước Đức với vụ ám sát Đại sứ của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơn ác mộng còn ám ảnh châu Âu bởi ba lý do.
Thứ nhất, hình thức và cách thức tiến hành khủng bố đã trở nên không còn chỉ theo cách kinh điển lâu nay nữa. Vì thế, đối phó với khủng bố rất khó và càng ngày càng thêm khó.
Thứ hai, những phần tử khủng bố xâm nhập vào châu Âu bằng con đường hợp pháp và thường hành động một mình, hay còn được gắn cho biệt danh "những con sói đơn độc". Vì thế rất khó ngăn trừ và kiểm soát được diện này.
Thứ ba, các nước ở châu Âu đã gia tăng đáng kể sự quan tâm tới phòng ngừa và đối phó khủng bố, đã xiết chặt đáng kể luật lệ về an ninh, đẩy mạnh hợp tác về tình báo, quân sự và an ninh để cùng nhau đối phó khủng bố nhưng rõ ràng không thể loại trừ được hoàn toàn nguy cơ bị tấn công khủng bố.
Nước Pháp cứ phải gia hạn hết lần này đến lần khác tình trạng khẩn cấp trong khắp cả nước.
Ác mộng này còn dai dẳng đối với châu Âu và khủng bố sẽ làm châu Âu còn biến động và thay đổi nhiều nữa về mọi phương diện.