Chính phủ Afghanistan đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng sống còn” sau khi Taliban tăng gấp đôi các cuộc tấn công. Dường như đàm phán Doha hồi giữa tháng 7 không mang lại giải pháp hòa bình khi Taliban tiếp tục mở các cuộc tấn công khiến số dân thường thiệt mạng tăng lên.
Dân thường trở thành nạn nhân
Ngày 30/7, Bộ Các vấn đề hòa bình của Afghanistan công bố một báo cáo về tình hình thương vong của dân thường trong vòng 4 tháng qua, do hậu quả của các cuộc giao tranh giữa lực lượng Taliban và Chính phủ nước này.
Theo báo cáo, Taliban đã tổ chức 22.000 cuộc tấn công nhằm vào các Lực lượng Quân đội và An ninh Afghanistan trong khoảng thời gian này, buộc hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Báo cáo được công bố chỉ 1 ngày sau khi thanh niên tỉnh miền Nam Kandahar xuống đường biểu tình phản đối các cuộc giao tranh đang diễn ra tại tỉnh này, khiến 22.000 gia đình mất nhà cửa.
Theo các số liệu, đã có tổng cộng 5.587 dân thường Afghanistan thiệt mạng và bị thương, hậu quả của 93 vụ tấn công tự sát, 650 quả đạn rocket, 1.675 vụ nổ mìn và 844 vụ ám sát do Taliban gây ra. Trong khi đó, 24.609 tay súng Taliban thiệt mạng và bị thương trong các chiến dịch phản công của lực lượng Quân đội và An ninh Afghanistan trong thời gian này.
Báo cáo khẳng định, việc quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan đã thúc đẩy Taliban leo thang bạo lực. Cũng theo Bộ Các vấn đề hòa bình của Afghanistan, lực lượng Taliban đã buộc 621 trường học trên toàn quốc phải đóng cửa, đẩy 42% số học sinh của nước này vào cảnh thất học.
Lực lượng Taliban đang nhanh chóng chiếm giữ lãnh thổ từng được kiểm soát bởi chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani được Mỹ hậu thuẫn, làm dấy lên lo ngại cuối cùng họ có thể cố gắng chiếm thủ đô Kabul.
Bình luận về tình hình, ông Kaweh Kerami (Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở Đại học London), nhận xét: “Nếu Taliban tiếp quản chính quyền bằng biện pháp quân sự, điều đó không có nghĩa chiến tranh đã kết thúc ở Afghanistan. Hòa bình và ổn định trong các xã hội đa sắc tộc chỉ có thể được đảm bảo thông qua sự chung sống, đồng thuận và hòa nhập, chứ không phải sự thống trị.
Quân đội Chính phủ trong tình trạng căng thẳng
Ngày 30/7, Reuters dẫn lời hai quan chức cấp cao của Chính phủ Afghanistan cho biết, ít nhất 7 phi công Afghanistan đã bị ám sát trong những tháng gần đây.
Mối lo đến từ các vụ ám sát phi công Afghanistan của Taliban trong tháng 7 đang đánh dấu một “diễn biến đáng lo ngại” khác đối với Không quân Afghanistan khi lực lượng này lao đao sau khi các cuộc giao tranh gia tăng.
Trong báo cáo quý trước Quốc hội (giai đoạn tháng 3 – 6/2021), Văn phòng Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) đã miêu tả một cách khái quát về Lực lượng Không quân Afghanistan (AAF) đang ngày càng căng thẳng vì chiến đấu với lực lượng Taliban trong bối cảnh Mỹ rút quân và tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu ngày càng ít.
Chẳng hạn, phi đội trực thăng UH-60 Black Hawk của AAF có tỷ lệ sẵn sàng hoạt động là 39% trong tháng 6, khoảng một nửa mức của tháng 4 và tháng 5. Tất cả các máy bay Afghanistan đều bay ít nhất 25% so với khoảng thời gian bảo dưỡng theo lịch trình được khuyến nghị của họ - SIGAR đưa tin.
“Tất cả các nền tảng máy bay đều bị trưng dụng do các yêu cầu tăng cường hỗ trợ trên không, các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát và tiếp tế trên không khi mà (quân đội Afghanistan) phần lớn thiếu sự hỗ trợ trên không của Mỹ” - báo cáo cho biết. Đồng thời, báo cáo cũng xác nhận, các phi hành đoàn đã được giao nhiệm vụ quá mức do tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan và tốc độ hoạt động “chỉ tăng lên”.
Cùng với lực lượng đặc biệt của Afghanistan, Không quân Afghanistan là một trụ cột trong chiến lược của quốc gia nhằm ngăn chặn Taliban tiếp quản các thành phố. Tuy nhiên, các lực lượng đặc biệt này cũng đang bị trưng dụng không đúng chức năng, SIGAR cho biết.
Hầu hết các quân đoàn của Quân đội quốc gia Afghanistan từ chối thực hiện các nhiệm vụ mà không có sự hỗ trợ từ các lực lượng biệt kích tinh nhuệ của họ. Trích dẫn dữ liệu của NATO, SIGAR cho biết, lực lượng biệt kích của Afghanistan phải thực hiện cả các nhiệm vụ dành cho các lực lượng thông thường, bao gồm rà phá tuyến đường và an ninh trạm kiểm soát.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, rất khó để đánh giá việc sử dụng sai mục đích quân sự đối với các lực lượng tinh nhuệ khi Chính phủ Afghanistan “đang chiến đấu cho sự tồn tại của mình”.
Trợ giúp từ bên ngoài
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) mới đây đã bắt đầu khởi động chương trình huấn luyện lực lượng Đặc nhiệm của Afghanistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình huấn luyện ở nước ngoài dành cho lực lượng an ninh Afghanistan là bước đi đầu tiên của NATO sau khi kết thúc sự hiện diện quân sự tại quốc gia Nam Á này.
Theo hãng tin Khaama của Afghanistan, hồi đầu tháng 6, người đứng đầu NATO đã hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Lực lượng Quân đội quốc gia và An ninh quốc gia của Afghanistan và sẽ huấn luyện họ ở bên ngoài lãnh thổ nước này.
Theo các thông tin được công bố, các binh lính thuộc lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/7 để tham gia khóa huấn luyện.
Người phát ngôn NATO đã xác nhận thông tin này nhưng không cho biết thông tin chi tiết về địa điểm chính xác diễn ra khóa huấn luyện. Các lực lượng an ninh Afghanistan từng được huấn luyện tại Qatar, nơi hiện đang tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ giữa Chính phủ và lực lượng Taliban.
Theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban ký tại Doha, Qatar, binh lính nước ngoài phải rời khỏi Afghanistan trước tháng 9. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nước tiếp tục chương trình huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan ở bên ngoài lãnh thổ.
Các thành viên NATO cùng Mỹ cam kết sẽ dành cho Chính phủ Afghanistan số tiền lên tới 4 tỷ USD tới năm 2024 để tập trung đầu tư cho các lực lượng an ninh.
Ngày 30/7, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ, là một đối tác chiến lược và láng giềng liền kề, Ấn Độ có chính sách kiên định ủng hộ chủ quyền, hòa bình và dân chủ tại Afghanistan, theo đó lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội Afghanistan bao gồm phụ nữ, trẻ em và các tộc người thiểu số được bảo vệ. Ấn Độ ủng hộ tất cả các sáng kiến hòa bình hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài, thông qua một tiến trình toàn diện do Afghanistan dẫn đầu, làm chủ và kiểm soát, điều này sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực.