Mỏng manh nhưng bền chặt, tình cảm của những thi nhân, người cầm bút dành cho nhau luôn là một thứ gì đó cao quý, mà người ngoài rất khó định danh. Với thi sĩ Đinh Hùng, người sinh ra và lớn lên ở Hà Đông (nay là Hà Nội) nhưng lại sống nhiều năm ở Sài Gòn, đó là thứ tình ấm áp, thiêng liêng được ông viết ra trong nỗi hoài cảm xa quê hương, bè bạn.
Điều đặc biệt, cuốn sách “Đốt lò hương cũ”, được xuất bản lần đầu sau khi ông qua đời (năm 1967). Và hiện nay, để tái hiện cái tình thi nhân và cuộc sống đời thực của Đinh Hùng cùng những bạn bè cầm bút cùng thời với ông như Thạch Lam, Tản Đà, Thế Lữ, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng… cuốn sách được NXB Đà Nẵng tái bản với hình thức hoàn toàn mới.
Đọc “Đốt lò hương cũ” của Đinh Hùng, độc giả có thể được tiếp cận thêm nhiều tư liệu quý về cuộc sống, cuộc đời, thói quen của các văn nhân quãng thời gian 1950 với cái nhìn lưu luyến, hoài cổ của một người từng ở trong cuộc nhưng đã đi xa.