Ấn Độ, thị trường tiềm năng cho nông sản ĐBSCL

Gianh Lam 30/11/2017 14:06

Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới (hơn 1,2 tỷ người), có nhiều điểm tương đồng và quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài và tốt đẹp với Việt Nam, cũng là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu hiện nay của Việt Nam. Đây được xem là thị trường tiềm năng của nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai(ĐBSCL).


Giới chức Ấn Độ thích thú với nông sản của ĐBSCL.

Phấn đấu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD năm 2020.

Mới đây tại hội thảo “Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh ĐBSCL” ngày 28/11, do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 diễn ra tại Phillippines vừa qua, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Theo đó, hai bên dự tính sẽ đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc tăng cường kết nối hàng không và hàng hải. Ấn Độ sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Theo ông Hưởng, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, cũng là vùng trọng điểm sản xuất rau quả và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; hàng năm đóng góp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước; có vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

“Các tỉnh ĐBSCL kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và thủy sản.” – ông Hưởng cho biết.

Ông Parvathaneni Harish – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam thông tin: Nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm của Ấn Độ, sử dụng 51% dân số cả nước, đây cũng là lĩnh vực then chốt cho việc hợp tác giữa Ấn Độ với Việt Nam. Việt Nam là một nước có năng lực sản xuất to lớn, lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước tiến quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Đẩy mạnh hợp tác ngành thuỷ sản

Về tiềm năng hợp tác thời gian tới, Đại sứ Harish cho biết, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 4,3 tỷ USD rau và hơn 3 tỷ USD trái cây và các loại hạt trong năm 2016 – 2017, nhưng hiện xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong phân khúc này còn nhỏ và đang có cơ hội to lớn.

“Hai quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ vào năm 2014 sau khi thành lập một trung tâm ươm cá ba sa tại Ấn Độ. Tôi tin rằng hợp tác chặt chẽ trong ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi cá ba sa có thể là một cơ hội tốt cho thương mại quan trọng của hai nước chúng ta khi cả hai đều có ngành thủy sản phát triển và hợp tác mạnh song phương về các sản phẩm thủy sản” – Đại sứ Harish chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: ĐBSCL với 13 tỉnh thành, chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên và 19% dân số cả nước. Toàn vùng có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 27,2% cả nước, trong đó diện tích trồng lúa là 52%, hệ sinh thái đa dạng. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là vùng đất có tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất thủy sản, nông sản bậc nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các nước thượng nguồn sông Mekong xây dựng nhiều công trình thủy điện phần nào đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ĐBSCL.

Trong bối cảnh hội nhập, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng thách thức không hề nhỏ, cần phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và các thành phần kinh tế để phát triển bền vững.

Phía Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, sẽ xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn…, mục tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy hải sản đạt khoảng 550 ngàn – 600 ngàn ha…

Cũng theo ông Doanh, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hợp tác truyền thống, lâu dài và hết sức tốt đẹp. Trong nông nghiệp, Ấn Độ đã hợp tác, giúp đỡ Việt Nam rất hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao. Nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam đã được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ, giúp đỡ ngay từ khi mới thành lập, điển hình là Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam…

Hội thảo là cơ hội tốt để đại biểu và các đối tác Ấn Độ hiểu thêm về mảnh đất và con người ĐBSCL với những tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, tìm kiếm, xác định các dự án hợp tác, đầu tư nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của vùng và mang lại lợi ích cho tất cả các đối tác và người dân ĐBSCL

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ, thị trường tiềm năng cho nông sản ĐBSCL