An toàn với… bánh trung thu

HẠNH AN 13/09/2023 15:03

Thị trường bánh trung thu rộn ràng trước đây cả tháng, nhưng thời điểm này là lúc nhiều loại bánh được tung ra, trong đó có cả loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, nhiều loại bánh trung thu được gắn mác “truyền thống”, “nhà làm” cũng được bày bán trên thị trường, hoặc bán qua mạng. Thời điểm này một số cửa hàng cũng treo biển giảm giá 50-70% khiến nhiều người “tranh thủ mua”. Để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý để tránh mang bệnh tật vào cơ thể.

Chỉ ăn bánh trung thu khi còn hạn sử dụng.

Giống như nhiều loại bánh ngọt khác, quá trình sản xuất, xử lý và bảo quản bánh trung thu có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm do sự đa dạng của các nguyên liệu được sử dụng trong bánh trung thu truyền thống. Nguy cơ nấm mốc, việc sử dung chất tạo màu không được phép sử dụng, chất bảo quản hóa học và ô nhiễm vi sinh đều có thể xảy ra nếu quá trình sản xuất hoặc bảo quản không đúng cách.

Để tránh xảy ra các vụ ngộ độc do ăn bánh trung thu như đã từng xảy ra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chú ý theo các tiêu chí quy định trong Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020. Theo TCVN 2020, bánh trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu theo quy định, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì… Với hàng loạt các tiêu chí khắt khe, TCVN 2020 chính là mốc đánh dấu chất lượng bánh trung thu ngon lại an toàn với sức khỏe người sử dụng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn, không có mùi ôi khét của thực phẩm để lâu, hay không có mùi vị bất thường.

Thông thường bánh trung thu được trưng bày trước các cửa hiệu để người mua tiện quan sát và lựa chọn, tuy nhiên sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể gây chuyển hóa các chất béo trong nhân bánh, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật…

Người tiêu dùng cũng nên mua bánh ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý đến việc mua bán, sử dụng bánh trung thu “nhà làm”. Bởi đây là loại bánh được rao bán rất nhiều trên mạng, không đăng ký với cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng cũng không thể kiểm soát được tất cả quy trình, nhất là nguồn gốc nguyên, nhiên liệu.

Người tiêu dùng cần bảo quản và sử dụng bánh trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì sản phẩm. Chú ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).

Bánh trung thu mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng; bao bì không rách nát, tẩy xóa; bánh không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Cần rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn với… bánh trung thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO