Năm 2023, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng đã có được nhiều thành tựu, trong đó xuất khẩu hàng hóa nông sản được coi là một dấu son.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11 vừa qua tiếp tục là sự khởi sắc đáng ghi nhận khi đây là tháng thứ 5 liên tiếp (kể từ tháng 7), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mốc từ 30 tỷ USD trở lên/tháng. Không chỉ giúp rút ngắn đà suy giảm so với năm 2022, những tín hiệu khởi sắc giúp cho hoạt động xuất khẩu năm 2023 về đích ở con số hơn 350 tỷ USD.
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/11, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 con số đó chỉ là 8,1 tỷ USD). Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,1%).
Đáng chú ý, năm 2023 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu rau quả dự kiến đạt kỷ lục gần 5,6 tỷ USD.
Với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 74%, đã đưa xuất khẩu ngành rau quả vượt xa mọi dự tính, lần đầu tiên con số 5 tỷ USD cho một mặt hàng nông sản đã được thiết lập. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đã ghi dấu ấn kỷ lục, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo dự kiến đạt 5 tỷ USD khi năm 2023 kết thúc.
Tới nay, ngành nông nghiệp đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong năm 2023, điểm sáng là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt, đang là hai con “át chủ bài” của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nói riêng về xuất khẩu gạo năm 2023, với con số 5 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 1987 khi Việt Nam chính thức gia nhập thị trường gạo thế giới. Tại Hội thảo quốc tế thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới, tổ chức tại Hậu Giang ngày 13/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Nam cũng cho rằng chắc chắn hết năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ đạt 5 tỷ USD.
“Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội" - ông Nam nói.
Cũng trong năm 2023, một tin vui đến với gạo Việt Nam, khi loại gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua một lần nữa được trao giải gạo ngon nhất thế giới (lần đầu tiên là vào năm 2019).
Ngày 5/12, ông Jeremy Zwinger - Giám đốc điều hành The Rice Trader (Tổ chức Thương mại gạo) đã xác nhận gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Trong thông cáo báo chí, ông Jeremy Zwinger chúc mừng Việt Nam và cho rằng có nhiều yếu tố đã đưa ngành lúa gạo Việt Nam đạt vị thế mà cả hệ thống cung ứng, trang thiết bị, quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng... đều đáng khâm phục.
"Với tư cách người đưa ra ý tưởng hội thi gạo ngon nhất thế giới và là người đã bỏ công sức vào việc biến nó thành hiện thực, mục tiêu của tôi luôn là công nhận sự xuất sắc trong lĩnh vực này” - ông Jeremy Zwinger nói đồng thời nhắc lại rằng hội thi năm 2023 có sự tham dự của 30 mẫu giống đến từ nhiều nước. Một số nước gửi nhiều hơn một mẫu giống.
Kết quả, chỉ có 3 giống lúa vào được top 3 chung cuộc, đến từ Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ. Loại gạo thắng giải được nhất trí chọn bởi tất cả đầu bếp tham gia hội thi. Để đảm bảo khách quan, họ được nếm thử sản phẩm từ từng loại gạo mà không biết nó là giống nào và đến từ công ty nào.
Kỹ sư Hồ Quang Cua - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, “cha đẻ” của ST25 nói: "Giải thưởng này là cho Việt Nam, tôi rất vinh hạnh khi được đóng góp cho xã hội. Tôi chỉ mong Việt Nam có những tiêu chuẩn để sử dụng thương hiệu này một cách hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế gạo Việt Nam trên thương trường".
Hai nhà nông học bậc thầy
Lâu nay, GS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua đã là hai cái tên nổi bật trong ngành lúa gạo Việt Nam.
Tối 20/12/2023, tại Hà Nội, trong lễ trao giải VinFuture2, cùng với GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ), GS Võ Tòng Xuân đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng này, với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh”. Ban tổ chức Giải thưởng đã vinh danh công trình đã đóng góp quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Riêng GS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, ông đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.
GS Võ Tòng Xuân được cho là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon. Ông sinh năm 1940 tại tỉnh An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.
Ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo nhân dân.
Còn kỹ sư Hồ Quang Cua, sinh năm 1953 tại Sóc Trăng, là tác giả của nhiều giống lúa lai tạo chất lượng cao, trong đó có hai giống lúa gạo được đánh giá là ngon nhất thế giới (ST25). Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ông từng học tại khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, trở thành kỹ sư trồng trọt. Kể từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan cùng với nhóm nghiên cứu của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Cần Thơ. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.
Vào năm 2019, tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines), gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) lần đầu tiên giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Năm 2013, kỹ sư Hồ Quang Cua về hưu nhưng không dừng lại công việc mà vẫn tiếp tục gắn bó với cây lúa Sóc Trăng với việc thành lập 2 doanh nghiệp tư nhân chuyên về lúa gạo, mang tên Hồ Quang và Hồ Quang Trí. Cả hai đều do con trai ông làm giám đốc, còn ông làm cố vấn.
Vào cuối tháng 10, Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố: xuất khẩu sầu riêng trong 10 tháng của năm 2023 đã đạt gần 2,1 tỷ USD, một mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, đến nay con số đó đã “lạc hậu”, khi mà lượng sầu riêng xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm 2023 tiếp tục tăng. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, 2 tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về 200-400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD; tăng 606,3% so với năm 2022.
Như vậy, sầu riêng đã trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, gây bất ngờ khi vượt lên dẫn đầu nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỉ trọng 51%.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất, với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD.
Ngoài thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với sầu riêng, một số loại trái cây khác cũng tăng trưởng mạnh về xuất khẩu: mít đạt 168,6 triệu USD, tăng 35,5%; xoài đạt 154 triệu USD, tăng 41,4% so với năm 2022. Tính chung xuất khẩu nhóm hàng trái cây (tươi và đông lạnh) cả nước năm 2023 tăng 112,5% so với 2022.
Nhìn chung năm 2023, nông nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ thành tích vượt trội, là chỉ dấu tích cực cho sự phát triển của những năm tới.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Thống kê cũng cho hay, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2023 có 117 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 257,3 triệu USD.