Cuối thu, những cây dọc trong cánh rừng nho nhỏ gần nhà tôi quả bắt đầu vàng hươm, chỉ vài tuần sau chín rũ rơi đầy xuống cội. Đó cũng là “mùa thu hoạch” của riêng tôi. Những bị cói dọc mang về được dập nhẹ cho hạt chòi ra, công đoạn đầu giúp bố tôi ép dầu. Ánh đèn dầu dọc đã bao lần soi tỏ trang sách học trò của một thời khốn khó.
1.Những ngày hè thời tiết nắng nóng, được bát canh riêu cua nấu từ quả dọc thì lùa bát cơm nhanh như uống bát nước chè xanh. Cả nồi canh to nóng hôi hổi mà chốc lát đã cạn sạch, chỉ còn dưới đáy nồi xác quả dọc màu vàng.
Tôi gắp ra để thưởng thức cái vị rôn rốt vẫn còn đọng lại cùng vị béo ngậy của chút gạch cua còn bám dính. Bố tôi à lên, ăn bát canh riêu tỉnh cả người. Và lần đầu tôi được mẹ giải thích để phân biệt thế nào là “canh cua” và “riêu cua”. Canh cua được nấu cùng các loại rau theo mùa như rau đay, mồng tơi, mướp hương… Còn riêu cua thì nhất định phải có chất chua như mẻ, bỗng rượu, tai chua, quả dọc. Ngon nhất vẫn là có vài lát tai chua hoặc quả dọc, có vị chua thanh mát. Còn mỡ phi hành cho nồi canh riêu là mỡ lợn, thi thoảng mới dùng dầu sở, do một người quen làm ở trạm lâm thổ sản huyện mua hộ.
“Dầu sở, mỡ lại”, lớn lên tôi đã được nghe câu dó, được nhìn thấy cây sở, cây lại, nhất là mùi thơm dịu nhẹ tỏa ra từ những cánh hoa sở trắng muốt trên đường tới trường thì chẳng thể quên. Còn bao nhiêu loại cây mà hạt, lá của nó cho dầu ít nhiều có gắn với tuổi thơ tôi như: trẩu, trám, cọ, màng tang, dọc…
Với cây dọc ngẫu nhiên trở thành người bạn thân thiết của tôi thời thơ bé, mặc dù nó không trong vườn, chỉ là loài cây hoang dã mọc lên trong cánh rừng gần nhà. Mỗi khi đi thả trâu bò gần cánh rừng đó vào mùa quả, lũ chúng tôi trèo lên bứt một hai quả đã ngả màu vàng làm món “chua cay”. Lăn đi lăn lại trên mặt phiến đá cạnh giếng Chùa cho đến khi quả dọc mềm nhũn, lấy thanh dao cật nứa cắt chóp núm, để lộ phần thịt quả, rồi dùng que tre vót nhọn chọc thủng, nhồi chút muối cùng với vài mẩu ớt tươi. Chọc… chọc, nhồi... nhồi, que tre chạm vào hạt dọc như muốn khựng lại, lại tiếp tục ngoáy cho tới khi những hạt muối tan hết thì lấy ống dạ (thân cây lúa) hút… hút… hít hà, thưởng thức cái vị mằn mặn, chua chua, cay cay nơi đầu lưỡi.
Thằng Tấn là người học được món này từ ai đó, rồi chỉ cho cả lũ. Lần đầu nếm thử tôi sợ ớt cay nên cứ rụt rè định thôi, nó bảo, thế thì còn gì là cái ngon của ngũ vị nữa (mặn, ngọt, chua, cay, đắng), bố tớ bảo, ăn được chua, cay cũng là thử thách lòng dũng cảm đấy! Nhắm mắt nhắm mũi hút nước từ quả dọc, dần dà tôi ăn được cay cũng bắt đầu từ độ ấy. Những hôm nào đói mà hít hết cái món chua cay này thì bụng cồn cào tưởng như ruột lộn tùng phèo.
Cây dọc thật sự gắn bó với gia đình tôi từ lúc làm dầu dọc. Cuối thu, những cây dọc trong cánh rừng nho nhỏ gần nhà quả bắt đầu vàng hươm, rồi chỉ hai, ba tuần sau chín rũ rơi đầy xuống cội. Đó cũng là “mùa thu hoạch” của riêng tôi. Những bị cói dọc mang về được dập nhẹ cho hạt chòi ra, công đoạn đầu giúp bố tôi ép dầu. Cái thớt ép dầu nhà tôi quả là đặc biệt.
Nếu cối đá xay bột nước có hai thớt trên, dưới, có tay cầm để quay, thì thớt trên của cối ép dầu dọc chỉ là thanh gỗ lim to bản có phần chuôi như cái dùi đục, đầu có lỗ tròn để tra then tre cố định với “cái tai cối” nhô lên của thớt dưới. Thớt dưới này khác với cối xay bột nước bình thường, bởi mặt thớt có hình chóp nón dẹt để tăng sức ép lên hạt dọc và cho dầu chảy nhanh hơn xuống rãnh cối, rồi chảy vào liễn hứng. Những hạt dọc màu nâu cứ lần lượt được “ép đến chảy nước”.
Tay bố cầm đầu bàn ép nhịp nhàng đưa lên hạ xuống chẳng khác mấy động tác của ông lang thái những cây thuốc bắc bằng dao cầu. Những giọt dầu màu vàng rượm đặc quánh cứ từ từ rớt xuống cái liễn da lươn. Vừa làm bố vừa kể, ông thửa cái thớt cối này từ làng làm cối đá Bạch Lưu, cách nhà hơn chục cây số. Bố học cách ép dầu trẩu của một người bạn quê ở Phú Thọ, rồi biến tấu để ép dầu dọc. Từ lâu lắm rồi, người bạn ấy đã ép dầu từ quả trẩu, cái thứ dầu đó người ta không ăn mà bán cho những người chuyên làm mực Tàu.
Dầu trẩu đốt cháy lên trong những cây đèn có cái tán rộng để thu muội, muội được bán cho những người thợ chuyên chế biến thứ thứ mực đen nhánh để họa sĩ vẽ tranh thủy mặc, hoặc cho những cụ đồ Nho. Ông nội con cũng có một thỏi, thi thoảng mài ra viết chữ Nho đấy. Còn dầu dọc là để thắp sáng…
2.Thời “gạo châu củi quế” thế này tự mình làm ra được thứ gì là lợi được thứ đó, con à”. Bố tôi cứ nhắc đi nhắc lại câu đó mỗi khi làm một chiếc quạt mo, thay cho cái quạt nan đã rách, hoặc cạp lại cái cạp nong, cạp nia đã bung hết. Và cái món dầu dọc tự làm này nó lợi là sao? Thường bữa cơm tối xong tôi trải chiếu ra sân để cả nhà ngồi uống nước chè xanh, hóng mát. Bố rít xong điếu thuốc lào, vặn đèn nhỏ bằng hạt đỗ, xanh len lét, bắt đầu câu chuyện “ôn nghèo”. Bố kể về người em họ đi buôn dầu qua sông Lô chẳng may gặp cơn lốc xoáy đã mãi mãi ra đi không trở về.
Cái ngày bố còn để chỏm, dầu hỏa là thứ hàng cực kỳ khan hiếm, nhà nào sang mới có đèn dầu, còn cả làng dùng đèn dầu dọc. Gọi là đèn, nhưng không như chiếc đèn Hoa Kỳ mà là “đĩa đèn”. Sợi bấc đèn Hoa kỳ được làm từ sợi bông vải, còn bấc cho đĩa đèn dầu dọc là lấy từ lõi của loại cỏ bấc, loại này chỉ mọc ở vùng đồng bằng ven biển. Các bà hàng xén có bán bấc là lấy hàng từ dưới xuôi lên. Nhẹ như bấc, nhưng nặng công lắm con ơi!
Chẳng phải ngược về tuổi thơ của bố mới hình dung cái sự khan hiếm dầu hỏa mà ngay thập niên 60 của thế kỷ 20, khi tôi đang học tiểu học cũng bao phen điêu đứng vì thiếu dầu. Vùng Trung du, mỗi nhà một khoảnh đồi, chạy đi xin hoặc vay được chai dầu nhà hàng xóm là bở hơi tai. Nên những giọt dầu dọc tự làm trở nên có giá. Sau khi ép xong mẻ dầu được cỡ 3 chai cổ rụt, tôi rửa bàn ép, làm sạch hết lớp nhựa vàng bán vào, còn bố bắt đầu chưng.
Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ: Đun dầu dọc cùng với nước lã, để nước sôi riu riu dầu nổi lên, cặn lắng xuống, lấy muôi hớt từng chút một đổ vào cái dây bột đặt trên liễn sành. Để cho dầu thật nguội, bay hết hơi nước, rồi mới sang chai. Chẳng mấy chốc nhà đã có vài chai dầu dọc màu mật mía đặt riêng dưới chân chạn bát.
Để tiết kiệm dầu hỏa, bếp nhà tôi khi nào cũng có đĩa đèn dầu dọc, những “mớ bấc” màu trắng ngà mẹ mua từ các bà hàng xén, treo cạnh đó. Gọi là “mớ bấc” vì những sợi bấc nhỏ hơn đầu đũa được bó bằng rơm, hoặc lạt giang rất mềm. Mỗi mớ bấc có chừng ba chục sợi, dài cỡ hơn gang tay. Mỗi lần thắp chỉ cần ba, bốn sợi chắp lại, nhúng trong đĩa dầu dọc là đủ ánh sáng cho làm cơm bữa tối. Mẹ bảo dùng dầu dọc đỡ được ít tiền mua dầu hỏa, dành tiền mua giấy mực cho các con học.
Học bài chẳng ai muốn dùng đĩa đèn, nhưng sự khan hiếm dầu hỏa thường xảy ra nên ánh đèn dầu dọc đã bao lần soi tỏ những trang sách học trò, nuôi ước muốn đọc thông viết thạo, rồi trở thành một thầy giáo trường làng như thầy Đức vẫn dạy tôi. Và nhớ lần thầy kể chuyện Mạc Đĩnh Chi, nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp sáng để học liền bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng mà học, lại học giỏi đỗ tới Trạng nguyên. Dù ánh đèn dầu dọc vàng vọt, bập bùng thì vẫn có ánh sáng để tôi lật những trang vở, học được những bài thuộc lòng, hay làm những phép tính cộng trừ…, để rồi mở tiếp trang đời.
“Thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn”. Hồi ấy tôi đâu có hiểu được ý nghĩa câu dân gian trên chỉ báo về sự may rủi qua những hiện tượng tự nhiên trong đời sống. Chỉ nghe người ta bảo, nhìn thấy “hoa đèn” gặp may nhiều hơn rủi. Tôi nhìn thấy “hoa đèn” vào dịp hạ tuần của tháng 8 năm 1968, đó là thời gian chúng tôi thi tốt nghiệp phổ thông xong, ngồi nhà chờ gọi vào đại học, hoặc là đi bộ đội.
Sau đó ít ngày tội nhận được giấy báo vào Đại học quân sự, nhưng sau 2 năm được rèn luyện làm pháo thủ chiến đấu bắn máy bay Mỹ lại thi vào ngành Văn học, bắt đầu giai đoạn đèn sách mới - đèn sách của thời thành phố điện sáng trưng mà núi rừng như quê tôi vẫn chưa “có điện thay sao”, nhưng đèn dầu dọc chẳng còn ai dùng nữa. Mỗi lần về ngôi nhà của mình, tôi khôn nguôi nhớ cái đĩa đèn dầu dọc, có cái quang treo bé tí dưới giá sách với ngọn khói mỏng, bập bùng ánh bấc cùng những cuốn vở tuổi học trò đã ố vàng.
Nghĩ về chiếc đèn dầu dọc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được làm bằng ống tre, đĩa gốm có quang treo bằng dây thép để đọc văn bản, tài liệu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nghĩ về truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, liên tưởng tuổi thơ mình cũng chẳng khác những đứa trẻ nhà nghèo nơi phố huyện, sống trong ngôi nhà ánh sáng yếu ớt, le lói, nhưng vẫn mang những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn của những người dân nghèo.
Ngày nay dù có hàng ngàn ngọn đèn màu, những ngọn nến lưu ly, “núi rừng có điện thay sao” nhưng ngọn đèn dầu dọc ấy vẫn lặng lẽ cháy trong tôi, vẫn là câu chuyện với con cháu thay cho lời nhắc nhở, động viên lũ trẻ học hành chăm chỉ, cần cù, biết vượt lên, biết “cháy mình” để tỏa sáng.