Sau những “lùm xùm” về kịch bản có những biểu đạt tư tưởng “ngoại lai”, mới đây chương trình “Ký ức Hội An” đã chính thức cho ra mắt “phiên bản 2.0”.
“Ký ức Hội An phiên bản 2.0” được dàn dựng, sửa đổi kịch bản nhằm hướng tới mục đích lan tỏa những nét văn hóa độc đáo, thân thương mà rực rỡ sắc màu của Hội An xưa và nay thông qua những mảnh ghép ký ức về phố Hội - nơi từng là thương cảng sầm uất, giao thoa văn hóa Đông Tây từ 400 năm trước.
Theo đó, sau khi sửa 30% kịch bản, phiên bản mới đã được nâng tầm cả về nội dung câu chuyện, yếu tố nghệ thuật và đặc biệt mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Được đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức, “Ký ức Hội An 2.0” là màn kết hợp độc đáo từ âm nhạc, ánh sáng đến nghệ thuật tạo hình, biểu diễn…
Trong không gian ngoài trời hơn 3.000 chỗ với màn trình diễn của 500 diễn viên chuyên nghiệp, trước đó “Ký ức Hội An” đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam” và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất".
Những điển tích, những câu chuyện đậm nét văn hóa Việt được kể qua 5 màn diễn với các chủ đề Sinh mệnh - Đám cưới - Đèn và Biển - Hội nhập - Áo dài sẽ được gắn kết hình tượng xuyên suốt của cô gái dệt vải bên khung cửi “dệt” nên dòng thời gian bất tận.
Trong suốt 75 phút của show diễn, khán giả như được trở về miền ký ức Faifo, chứng kiến cuộc sống muôn màu bên dòng sông Hoài…
Những sinh hoạt truyền thống của người dân, khoảnh khắc hùng tráng trong lịch sử, nét hoàng kim của cảng thị một thời hay phố Hội nhộn nhịp của hiện tại… đều được tái hiện đầy màu sắc và cảm xúc.
Hay một không gian tráng lệ hiện ra cùng với âm thanh trầm buồn để thể hiện một đám cưới lịch sử của Vua Champa và công chúa Huyền Trân - đám cưới mang màu sắc chính trị hơn là tình yêu.
Bên cạnh đó, “Ký ức Hội An” còn kể về câu chuyện về chàng thuỷ thủ tàu buôn và một cô gái hàng ngày ngóng trông mòn mỏi người yêu trở về. Tình yêu của họ cũng nhiều sóng gió, như con thuyền giữa biển khơi, luôn phải cố gắng hết sức để tránh những cơn sóng dữ.
Kết thúc buổi biểu diễn là màn áo dài nón lá của hàng trăm cô gái. Điều này thể hiện ước vọng bay cao của Hội An nhưng vẫn luôn giữ hồn cốt dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, cố vấn của chương trình cho biết “Chúng ta nên tự hào vì đây là một sản phẩm văn hóa - nghệ thuật hoàn toàn có thể sánh tầm với thế giới do chính người Việt tạo ra, đồng thời là một trải nghiệm văn hóa mới mẻ sẽ trở thành xu hướng”.
Được biết, phiên bản “Ký ức Hội An 2.0” đang trong quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia để chỉnh sửa hoàn thiện hơn nhằm mang đến cho khán giả một “bữa tiệc” nghệ thuật hoàn hảo nhất.
Theo ông Đào Quang Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Gami Hội An, Trưởng BTC chương trình, “phiên bản Ký ức Hội An 2.0 không phải là bản cuối cùng, chúng tôi sẽ lằng nghe mọi ý kiến và sẽ tiếp tục chỉnh sửa, đổi mới để vở diễn được hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới sẽ có phiên bản 3, 4… với mục đích cuối cùng chương trình sẽ đóng góp một phần nào đó cho du lịch Hội An”.
Chương trình “Ký ức Hội An” sẽ được tổ chức vào 19h30 các ngày trong tuần (trừ thứ 3), tại Cồn Hến (phường Cẩm Châu, TP Hội An).
Hoàng Minh