Tri ân các thế hệ thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đây cũng là dịp để nhìn nhận một cách công bằng, thẳng thắn về những khó khăn, áp lực cũng như thách thức trước việc giảng dạy một thế hệ "công dân toàn cầu" mà nghề giáo đang phải đối mặt.
Áp lực đổi mới
Câu chuyện đổi mới giáo dục không phải đến bây giờ mới đặt ra, nhưng khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức triển khai ở tất cả các cấp học, có lẽ không còn giáo viên nào cảm thấy mình có thể “đứng ngoài cuộc chơi này”.
Đơn cử với những môn học vừa mới vừa cũ như Khoa học tự nhiên ở cấp THCS, thầy cô giáo được đào tạo đơn môn và cũng nhiều năm dạy đơn môn, “bỗng chốc” chuyển sang dạy tích hợp thì khó khăn không kể xiết là điều ai cũng nhận thấy.
Thậm chí với cả những môn học truyền thống như Ngữ văn, khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy cô cũng phải đổi mới phương pháp, góc tiếp cận để học sinh có thể hiểu bài, ứng dụng khi vào bài học khác. Nhưng điều này không dễ bởi học sinh đã quen với cách học ở lớp dưới, nói đổi mới là đổi mới ngay nên dù cả thầy và trò đều rất cố gắng nhưng kết quả kiểm tra đầu năm vừa qua, khi đối diện với bảng điểm dưới trung bình tới 2/3 lớp học, nhiều thầy cô cho biết không khỏi lo lắng, áp lực.
Trước đó, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc học trực tiếp bị gián đoạn, cả hệ thống đều chuyển sang dạy học trực tuyến. Thầy Nguyễn Thái Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho biết trường có khoảng hơn 10 giáo viên với độ tuổi trên 50. Dù không muốn nhưng ở lứa tuổi này, các thầy cô giáo ít nhiều sẽ cảm thấy khó khăn trong việc nắm bắt công nghệ để truyền thụ kiến thức cho học sinh theo phương cách hiện đại. “Nhà trường bố trí phương án để giá viên trẻ hỗ trợ về công nghệ, thao tác sử dụng các app giao bài… Thầy cô đã rất nỗ lực để tròn vai” – thầy Dương nhìn nhận.
Cũng giống như những ngành nghề khác, giáo dục đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số, đòi hỏi người giáo viên phải thích nghi và bắt nhịp. Nhưng không dễ để tập trung vào nâng cao chuyên môn khi ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn phải làm rất nhiều đầu việc không tên ngoài sổ sách, giáo án, bài giảng, khiến dù có miệt mài mỗi ngày nhưng vẫn không hết việc là có thật…
Những băn khoăn
Là giáo viên mầm non, cô Thùy Liên (Trường mầm non A Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) ngày nào cũng có mặt ở trường từ 7h kém 15’ để nhận trẻ và tới 17h30, khi học sinh cuối cùng ra về, cô còn phải ở lại quét dọn lớp học, hoàn thành sổ sách… nên sớm cũng phải ngoài 18h mới ra về. “Công việc của giáo viên mầm non là chăm sóc, lo lắng trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ. Để ý các con từng chút một nhưng cũng có khi trẻ còn nhỏ, vô tình cắn bạn hay con va vào cửa ngã xây xước tay chân,… những tình huống như vậy xảy ra thường xuyên. Đa số phụ huynh thông cảm, nhưng có người cũng tỏ thái độ không tin tưởng, trách móc khiến mình cũng áy náy, suy nghĩ” – cô Liên tâm tư.
Giáo viên mỗi cấp học hàng ngày đến trường và cả sau khi tan trường đều đối mặt với nhiều tình huống sư phạm khác nhau mà đôi khi khó lường trước. Cô giáo Tú Anh (Trường THPT Việt Nam – Ba Lan, Hà Nội) kể, có hôm vừa ở trường về thì nhận được điện thoại từ đồng nghiệp thông tin có 2 học sinh lớp cô chủ nhiệm đánh nhau. Ngay sau đó, cô vội vàng đến trường thì hóa ra, sự việc bắt nguồn từ bạn nam trêu bạn nữ, bạn nữ tức quá lời qua tiếng lại rồi đánh nhau…
Tuy nhiên, không phải tất cả các phụ huynh đều phối hợp với giáo viên để uốn nắn các con. Thậm chí, có những phụ huynh khoán trắng trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, nhưng khi con mình gặp sự cố sẵn sàng xông đến trường… đánh học sinh khác, thậm chí đánh cả giáo viên. Thời gian qua, nhiều vụ việc giáo viên bị phụ huynh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" ngay tại chính lớp học đã xảy ra, học sinh thì cãi tay đôi, nói hỗn với giáo viên ngay trong giờ lên lớp… khiến nhiều giáo viên lo lắng, bất an.
Chật vật xoay xở cuộc sống
Giáo viên mỗi vùng miền lại có những khó khăn khác nhau. Không chỉ những giáo viên mới vào nghề mà nhiều thầy cô có thâm niên công tác cũng cho biết đồng lương nhà giáo trong cơn bão giá, lương chưa tăng giá đã tăng hay lương tăng 1, giá đã tăng 2 khiến thầy cô phải chật vật xoay xở.
Là giáo viên có thâm niên công tác 18 năm, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên bậc THCS tại Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, phụ cấp ưu đãi nghề, phần trăm đứng lớp, chủ nhiệm lớp... mức lương cô nhận về mỗi tháng là gần 8 triệu đồng. Cô dạy môn Địa lý nên không có thu nhập dạy thêm. “Khi con còn nhỏ chỉ học trường làng, bữa cơm rau cháo cũng qua ngày nhưng năm sau con thi đại học. Nếu cháu đỗ, được lên thủ đô học thì gia đình cũng chưa biết xoay xở ra sao vì không thuộc diện hộ nghèo, khó khăn để vay tín dụng sinh viên. Cũng muốn động viên cháu theo ngành sư phạm để được hỗ trợ tiền học, tiền sinh hoạt phí nhưng cháu bảo, lương thấp, còn không bằng công nhân tăng ca cũng được 10 triệu/tháng nên cháu không thích học” – cô Dung nói.
Quả thực, nhiều giáo viên hiện nay phải xoay xở, làm thêm đủ thứ nghề sau giờ lên lớp. TS Lê Thống Nhất từng chia sẻ đầy trăn trở: “Trong một cuộc trò chuyện với giáo viên, khi tôi hỏi ở đây có giáo viên nào phải làm thêm công việc khác sau giờ lên lớp như bán hàng online…, dưới hội trường hầu hết giáo viên đều giơ tay”. Rõ nhất là câu chuyện thưởng Tết khi thông tin ở doanh nghiệp này thưởng Tết 100 triệu đồng, nơi kia vài chục triệu đồng, thì có nhiều giáo viên chỉ ngậm ngùi nhận 200-500 nghìn đồng.
Với giáo viên miền núi, vùng khó khăn, những áp lực họ phải chịu cũng nhiều không kém. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của giáo viên vùng cao khi phần lớn thầy, cô phải xa gia đình, con cái phải gửi bố mẹ chăm sóc, thiếu thốn tình cảm. Đặc biệt, nhiều giáo viên nữ chưa có điều kiện xây dựng gia đình. Con đường để đến trường nhiều nơi còn khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của giáo viên.
Về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, TS Vũ Minh Đức cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều nơi phải học trong phòng học tạm, thiếu nhà công vụ, điện, sóng viễn thông, nước sạch; thiếu lương thực, thực phẩm…
Tìm cách gỡ khó cho giáo viên
Nhận diện những áp lực, khó khăn mà giáo viên đang phải đối mặt, ngành giáo dục thời gian qua đã và đang có những cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên.
Trước hết, đó là câu chuyện cải thiện lương thưởng để "có thực mới vực được đạo". Theo đó, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, sẽ nghiên cứu đề xuất tăng lương và tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên để giảm tình trạng thôi việc. Dự kiến, mức lương mới sẽ được áp dụng từ 1/7/2023.
Đối với công việc, ngành giáo dục đã có nhiều thông tư hướng dẫn nhằm cải tiến hiệu quả công việc, loại bỏ bớt sổ sách giấy tờ, chuyển sang hình thức điện tử để giáo viên bớt nhọc nhằn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cần tiếp tục rà soát, loại bỏ những sổ sách, giấy tờ không cần giúp giáo viên có thêm thời gian đầu tư, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương nhìn nhận, ngày nay nghề giáo đang phải đối mặt với áp lực từ mọi phía: phụ huynh, nhà trường, xã hội, đồng nghiệp. “Hiện giờ giáo viên như bị bỏ rơi. Họ phải làm việc với cường độ căng thẳng, lương thấp nhưng cơ sở quản lý họ lại không quan tâm đến vấn đề mâu thuẫn giữa phụ huynh học sinh và giáo viên. Nên chúng ta thấy tỉ lệ giáo viên nghỉ việc rất cao và nguyên nhân không phải vì lương thấp, không yêu nghề mà họ cảm thấy bị bỏ rơi. Nếu hiện trạng này không giải quyết thì ngành giáo dục còn trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong việc có đủ giáo viên đứng lớp” - bà Hương nói .
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT) cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải làm quá nhiều công việc, thậm chí, có những công việc nằm ngoài hoạt động chuyên môn. Và đây chính là một áp lực nặng nề.
Do vậy, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, một cú hích tăng lương (nếu có trong thời gian tới) chưa hẳn ổn định được đời sống, tâm lý của giáo viên. Cần phải cải tổ quy trình lao động, cải tổ lại các mối quan hệ đối với giáo viên để giáo viên cảm nhận thấy được tôn trọng thì chắc chắn những người giỏi, những nhà giáo tâm huyết sẽ nghĩ họ đang công hiến một cách xứng đáng.
GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam: Quan tâm, khích lệ tinh thần đội ngũ nhà giáo
Giáo viên đang chịu nhiều áp lực khi thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, càng khó khăn, bản thân giáo viên càng phải thấy trách nhiệm của mình. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày xã hội tri ân đội ngũ nhà giáo nhưng đồng thời cũng là dịp để thầy cô tự kiểm điểm đạo đức, trách nhiệm với học sinh. Cán bộ quản lý trong ngành giáo dục tự kiểm điểm trong công tác quản lý từ chất lượng chương trình, chất lượng con người tới chế độ lương bổng.
Chúng ta cần quan tâm tới đời sống giáo viên khi đồng lương của họ còn chưa đủ trang trải cuộc sống. Tôi bày tỏ mong muốn, Đảng và Nhà nước, cán bộ quản lý ngành giáo dục quan tâm, khích lệ, động viên tinh thần đội ngũ nhà giáo hơn nữa, đồng thời có chính sách ưu đãi, tôn vinh nhà giáo. Nghị quyết 29 đã đề ra, lương giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ bảng lương hành sự nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Quốc hội vừa có quyết định về cải cách tiền lương giáo viên. Nhân cơ hội này, chúng ta nên xem xét lại tiền lương và các chế độ chính sách với giáo viên, đặc biệt với giáo viên vùng sâu, vùng xa để động viên tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục nước nhà.
Cô Lê Thị Hồng Hạnh - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội): Giáo viên cần đổi mới cách nhìn, cách nghĩ
Thiếu giáo viên triển khai chương trình mới ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, là giáo viên trực tiếp dạy học, tôi cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới phát huy tính sáng tạo của giáo viên và học sinh, cụ thể ở môn Ngữ văn sẽ chống tình trạng văn mẫu.
Khi tiếp cận chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ bài học, từ đó đưa ra phương pháp dạy khác nhau với từng đối tượng học sinh. Ban đầu, khi mới bắt tay dạy học theo chương trình mới, cả cô và trò đều có chút lo lắng về phương thức kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ như thế nào? Giáo viên vốn đã quen với cách dạy chương trình cũ, không có áp lực gì, dạy bài nào kiểm tra bài học đấy, học sinh thi tốt là được. Còn nay dạy chương trình mới, giáo viên bị áp lực về đầu ra, chất lượng học sinh. Thế nên bên cạnh việc học hỏi công nghệ, ngoại ngữ, giáo viên muốn bắt kịp chương trình mới phải luôn cập nhật phương pháp dạy học mới, đặc biệt là đổi mới cách nhìn, cách nghĩ.
NGUYỄN HOÀI (ghi)