Nỗi niềm giáo viên cắm bản - Bài cuối: “Chia lửa” với giáo viên vùng khó

Thu Hương (thực hiện) 16/11/2022 07:34

“Nhiều cô giáo nói với chúng tôi, khó khăn vất vả bao nhiêu cũng không ngại vì đã gắn bó rồi, nhìn những ánh mắt tròn xoe, ngơ ngác mà không nỡ xa. Nhưng nỗi nhớ thương con nhỏ khắc khoải, lo mỗi khi con ốm, mẹ già ở nhà trở bệnh cũng trăn trở khôn nguôi” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh câu chuyện giáo dục vùng khó.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

PV: Thưa ông, là người gắn bó với ngành giáo dục nhiều năm, ông đánh giá thế nào về điều kiện dạy và học của thầy trò vùng cao hiện nay?

PGS.TS TRẦN XUÂN NHĨ: Nước ta có các vùng điều kiện địa lý khác nhau, trong đó có những vùng núi, từ nhà này qua nhà kia có khi vài cây số, chưa nói đến bản này sang bản kia phải leo đèo, trèo núi rất khó khăn. Để giải quyết cho giáo dục vùng khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình nội trú cho các cháu ở xa, có trường dự bị ở Trung ương, có trường nội trú ở huyện, rồi trường bán trú nhưng cũng không thể nào giải quyết được hết tất cả các trường hợp. Vẫn có rất nhiều điểm trường lẻ còn tồn tại và cần đến giáo viên (GV) cắm bản, yêu nghề, không ngại khó ngại khổ. Gắn bó với nơi này đồng nghĩa phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc dạy và học cả về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng học sinh… Các em nhiều khi nói tiếng Việt còn chưa sõi. Phải kiên trì, quyết tâm và yêu thương lắm những đứa trẻ nơi đây mới có thể trụ lại.

Tôi hiểu và vô cùng trân trọng, biết ơn những thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài “gieo chữ” ở vùng khó. Nhà giáo ở những vùng như thế không chỉ là người dạy học mà như một người đi khai sáng, dẫn dắt, là nơi nương tựa niềm tin cho những đứa trẻ còn thiệt thòi, thiếu thốn.

Mặc dù đã có cải thiện so với trước đây nhưng không thể phủ nhận để dạy học và gắn bó ở trường vùng cao, thầy cô giáo đã phải hy sinh rất nhiều. Bên cạnh những chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp cho GV vùng cao. Theo ông cần có thêm những điều chỉnh gì để họ bớt thiệt thòi, có thêm động lực để gắn bó với công việc?

- Tôi nói thẳng, nếu tăng lương, phụ cấp lên gấp 2, 3 lần so với hiện nay, nhiều người cũng không sẵn sàng lên miền núi dạy học.

Vì vậy, giải pháp trước mắt đó là ưu tiên tuyển dụng, đào tạo những GV ở địa phương để phục vụ địa phương. Chính sách cử tuyển trước đây đã phát huy tác dụng tích cực trong một thời gian dài. Nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 khuyến khích các địa phương đặt hàng các trường sư phạm đào tạo GV. Tôi ủng hộ phương án này. Về lâu dài sẽ giải quyết được bài toán thừa, thiếu GV cục bộ hiện nay. Đào tạo có địa chỉ, người học không lo sau khi ra trường thất nghiệp còn địa phương có nguồn tuyển đảm bảo cả chất và lượng, không bị động như hiện nay khi nhiều môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 không có nguồn tuyển.

Để thu hút và tri ân thầy cô cống hiến ở vùng sâu, vùng xa thì lương, thưởng, phụ cấp cũng phải tương xứng. Tôi từng đến một số nước và tham khảo chính sách giáo dục của họ thì thấy nhiều quốc gia dành cho giáo dục vùng khó rất nhiều hỗ trợ. Chẳng hạn ở Nga, lương, phụ cấp của GV vùng núi cao gấp 4, 5 lần so với GV ở vùng trung tâm thuận lợi. Tôi cho rằng, Việt Nam cũng cần cân đối ngân sách để nâng lương, phụ cấp cho GV nhằm động viên, khuyến khích các thầy cô đang làm nhiệm vụ nơi khó khăn. Bên cạnh đó cần có sự ghi nhận xứng đáng đối với sự hy sinh của các thầy cô đã không ngại khó, ngại khổ để băng rừng, vượt núi động viên trẻ đến lớp mỗi ngày. Đó có thể là bằng khen, giấy khen, thậm chí là huân, huy chương… tùy đóng góp của mỗi người và quan trọng hơn là chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của GV cắm bản.

Tri ân thầy cô nhân dịp 20/11 cũng là thời điểm, các cơ quan quản lý, ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương và cả xã hội cần nhìn lại, đánh giá đúng những cống hiến của đội ngũ GV vùng khó cho sự nghiệp trồng người.

Thầy cô giáo vùng cao Quảng Trị lội bùn để đến trường.

Một trong những nỗi niềm của nhiều GV cắm bản đó là kể từ khi ra trường và nhận công tác tại các điểm trường miền núi với thời gian công tác trên 15 năm có nguyện vọng được bố trí về gần nhà để ổn định công tác. Tuy nhiên không phải ai cũng được luân chuyển, bố trí công việc theo nguyện vọng. Theo ông, nên giải quyết những trường hợp này ra sao?

- Lên miền núi khó khăn, khổ sở là điều ai cũng nhận thấy, phải xa bố mẹ, gia đình, có người phải gác lại hạnh phúc riêng vì công tác ở xa… Nên đối với những thầy cô đang công tác ở miền núi, sau một thời gian từ 10, 15 năm, nếu có nguyện vọng thuyên chuyển về gần nhà thì các địa phương cần tạo điều kiện sắp xếp. Đây là việc làm rất nhân văn, tôi hoàn toàn ủng hộ.

Hiện nay theo quy định, việc thuyên chuyển viên chức là GV được UBND cấp tỉnh hướng dẫn chi tiết theo từng địa phương. Trong đó, ngoài việc GV làm đơn xin chuyển thì quan trọng nhất là phải có chỗ tiếp nhận. Không phải GV nào cũng có thông tin về việc trường mình muốn đến đang thiếu hay thừa GV, liên hệ thế nào để biết trường có nhu cầu tuyển dụng vị trí mình mong muốn… Vì vậy, tôi cho rằng các địa phương cần thống nhất, xây dựng và ban hành những văn bản, quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao hơn về việc thuyên chuyển GV từ miền núi về đồng bằng và ngược lại. Cần thông báo công khai trường nào thiếu GV, thiếu cụ thể ở bộ môn nào… Đây là một vấn đề rất khó khăn và phức tạp vì liên quan đến con người, công tác tổ chức nên các cấp quản lý giáo dục địa phương phải hết sức cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng mọi khía cạnh.

Trong đó, cần đảm bảo các yếu tố công bằng, khách quan, đồng bộ, thống nhất. Dẫu đây là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân, nhưng việc GV thuyên chuyển quá nhiều trong cùng một thời gian có thể khiến cho giáo dục miền núi có nguy cơ “vỡ trận”, tạo ra “khoảng trống” lớn do không tuyển mới được GV, lại càng khó để chuyển GV miền xuôi lên nên địa phương cũng cần bố trí, sắp xếp phù hợp, GV cũng cần cảm thông.

Nhiều thầy cô giáo cắm bản chia sẻ, dù không nhận được bó hoa, món quà trong ngày 20/11 như dạy học dưới miền xuôi nhưng lại ấm lòng bởi tình cảm của học trò và bà con dân bản mỗi ngày. Họ sẵn sàng tặng rau, củ, gạo và nhường cả ngôi nhà của mình để thầy cô ở. Nhưng về lâu dài, để thúc đẩy giáo dục vùng khó, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa, vận động tài trợ không chỉ sách giáo khoa, thiết bị học tập… Quan điểm của ông về vấn đề xã hội hóa giáo dục ở vùng khó nên triển khai theo hướng nào?

- Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, cần đẩy mạnh ở mọi nơi. Với vùng thuận lợi, đó là khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân mở các trường tư, trường ngoài công lập để thu hút những gia đình có điều kiện đầu tư cho con học tập. Ngân sách giáo dục công lập được giảm bớt, nhà nước, địa phương có thêm nguồn lực để tập trung đầu tư cho những vùng còn khó khăn.

Bên cạnh đó là sự chung tay của toàn xã hội để giúp giáo dục vùng khó bớt khó khăn hơn, để thầy trò có thêm thiết bị học tập, có phòng học kiên cố, có bếp ăn bán trú giúp trò no cái bụng, tập trung đi tìm con chữ…

Tôi rất ấn tượng với câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã nhiều năm cắm bản và vận động, kêu gọi được các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng hàng trăm phòng học cho các điểm trường lẻ. Nghĩa cử cao đẹp của thầy đã lay động những tấm lòng mong muốn chung tay, góp sức với giáo dục vùng khó. Đó là những tấm gương cần tích cực nhân rộng, lan tỏa tới nhiều người.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) chia sẻ, việc xã hội hóa tại chỗ là khó thực hiện với giáo dục miền núi, chỉ có thể thực hiện ở trung tâm thành phố, thị xã vùng cao. Đối với đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho con em họ đi học, đảm bảo quyền học tập của trẻ em. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giáo dục vùng cao là cần thiết và là nguồn lực đáng kể để góp phần phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và hỗ trợ GV đang công tác tại các vùng này. Tuy nhiên, khi vận động tài trợ hàng hóa, vật chất (giày dép, quần áo, đồ dùng cá nhân) cần chú ý đến nhu cầu thiết yếu (quần áo ấm, ủng,…) đặc điểm dân tộc, vùng miền để việc hỗ trợ có hiệu quả.

Tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, sẽ nghiên cứu đề xuất tăng lương và tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên để giảm tình trạng thôi việc. Theo ông Sơn, hiện nay mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2-3 năm đầu.

Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng công sức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm giáo viên cắm bản - Bài cuối: “Chia lửa” với giáo viên vùng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO