Áp lực thi vào 10: Phụ huynh Hà Nội chấp nhận 'mất tiền mua sự yên tâm'

Nguyễn Hoài 08/05/2023 14:36

Theo kế hoạch phân luồng, hằng năm chỉ tiêu vào lớp 10 công lập ở Hà Nội chỉ chiếm khoảng trên dưới 60%. Tuy nhiên mục tiêu phân luồng thực tế không đạt được như mong muốn mà càng khiến kỳ thi thêm căng thẳng, áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Chủ động tìm phương án dự phòng

Chưa đến 60% học sinh lớp 9 được vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội là thông tin đang khiến nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.

Theo kế hoạch phân luồng, cứ 10 học sinh lớp 9 ở Thủ đô thì có chưa đến 6 em có chỗ học ở lớp 10 công lập. Còn lại, khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỉ lệ 23,2% chỉ tiêu vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục; 7,7% chỉ tiêu vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 13,4% chỉ tiêu vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

So với 4 năm trở lại đây, năm nay, tỉ lệ học sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỉ lệ thấp nhất. Con số này cho thấy "cuộc đua" vào lớp 10 năm nay sẽ khốc liệt hơn các năm trước.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2022-2023.

Đến thời điểm này, các trường THCS trên địa bàn thành phố đã nộp phiếu đăng ký dự tuyển lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024 của học sinh lên phòng GDDT. Theo ghi nhận thực tế, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều phụ huynh đã chủ động tìm giải pháp an toàn nhất cho con.

Để giảm áp lực thi cử thay vì chờ đợi cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập, chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ) đã tìm hiểu và đăng ký hồ sơ cho con vào một trường tư thục trên địa bàn thành phố.

Chị Phương cho biết: “Con tôi có sức học trung bình. Dựa vào kết quả học tập trên lớp và các điểm khảo sát của con, tôi thấy con khó có thể đỗ vào lớp 10 công lập. Thế nên tôi phải chủ động chọn trường tư thục cho con từ sớm”.

Đăng ký thành công cho con vào Trường THPT Hoàng Long - Hà Nội, chị Dương Quỳnh Nga (quận Ba Đình) mới thấy nhẹ nhõm một phần. Chị Nga cho biết, dù xác định tìm phương án dự phòng cho con vào trường tư thục nhưng năm nay muốn có một “vé” vào trường tư như mong muốn cũng không phải dễ dàng. Bởi trước khi đăng ký thành công trường trên, chị Nga đã tìm hiểu và nộp hồ sơ vào 3 trường tư thục khác nhưng hồ sơ của con chị đều không đủ điều kiện.

“Tôi đã nộp số tiền giữ chỗ cho con và cũng xác định, nếu con thi đỗ trường công thì sẽ bỏ số tiền đặt cọc này. Dù mất tiền nhưng bù lại tôi mua được sự yên tâm”, chị Nga chia sẻ.

Cách phân luồng học sinh đang cứng nhắc?

Hiện Hà Nội có hơn 100 trường THPT ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 22% số học sinh tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh do Sở GDĐT Hà Nội giao cho các trường tư thục cũng có hạn, trường tuyển ít nhất là 30 học sinh và trường tuyển nhiều nhất là 675 học sinh.

Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết, năm nay trường được giao tuyển 405 học sinh, nhưng hiện đã có trên 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. “Chúng tôi cũng gọi từ trên xuống, từ 4 giỏi 4 tốt cho đến dần xuống dưới 4 khá. Hiện vẫn đang gọi số học sinh giỏi thì con số đã lên đến khoảng 1.400 em”, bà Phương Anh cho hay.

Thí sinh và phụ huynh xem danh sách học sinh trúng tuyến vào lớp 10 tại một trường THPT công lập tại Hà Nội.

Dù theo chủ trương phân luồng, nhưng thực tế, nhiều gia đình chỉ lựa chọn các trường ngoài công lập là phương án dự phòng trong trường hợp con không đỗ trường công lập chứ không có tư tưởng cho con học nghề. Thế nên, chủ trương là vậy nhưng mục tiêu phân luồng lại không đạt được như mong muốn mà càng khiến kỳ thi thêm căng thẳng, áp lực, nảy sinh tiêu cực.

Mỗi năm cứ vào mùa tuyển sinh, câu chuyện “ép” học sinh không thi vào 10 lại nóng lên. Năm học này cũng không ngoại lệ. Mới đây dư luận xã hội cũng phản ánh, tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập năm học 2022-2023 chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024.

Trước thông tin trên, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu các trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có tình trạng nêu trên. Đồng thời quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Đối với công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, cách phân luồng học sinh sau bậc THCS hiện nay đang cứng nhắc, làm mất quyền lợi chính đáng của người học, cần có sự thay đổi ở mỗi giai đoạn.

Để giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, TS Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị: Hà Nội có thể cấp đất, mở rộng quy mô trường công. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực xã hội mở trường tư. Khi trường tư càng nhiều thì sức cạnh tranh về học phí và chất lượng dạy học sẽ càng cao. Đây là giải pháp mà thành phố có thể đáp ứng được chứ không phải bằng cách phân luồng học sinh rẽ sang học nghề ở bậc học này một cách miễn cưỡng.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội dự kiến có khoảng 98.000 học sinh với khoảng 180 điểm thi; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có khoảng 110.000 học sinh với khoảng 200 điểm thi. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi đang được khẩn trương tiến hành với quyết tâm dành mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi an toàn, thực chất.

Ông Cương nhắn nhủ thí sinh hãy tập trung ôn tập với quyết tâm cao, nắm vững và tuân thủ nghiêm túc quy chế thi. Các bậc phụ huynh hãy tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để các con ôn tập đạt kết quả cao nhất. Ngành GDĐT Hà Nội luôn dành sự quan tâm, chăm lo tốt nhất để quyền lợi học tập, dự thi của học sinh được bảo đảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực thi vào 10: Phụ huynh Hà Nội chấp nhận 'mất tiền mua sự yên tâm'