Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Có được kết quả này, ngoài những nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất và kinh doanh, những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA... nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.
Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt vẫn chưa tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới, mà giới chuyên gia nhận định mấu chốt vẫn chính là mối quan hệ 6 “Nhà” còn những vướng mắc cần giải quyết.
Cụ thể, 6 “nhà” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng), doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà nông. Trong đó, vai trò của các ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu là mắt xích rất quan trọng.
Mới đây, tại diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà”, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, thời gian qua những kết nối 6 “nhà” còn mang tính tự phát, cơ học là chính.
Như vấn đề về nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư vào nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, chỉ chiếm tỷ lệ từ 5,8- 6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong suốt giai đoạn 10 năm qua, chưa tương xứng với phần đóng góp (từ 15-20% trong cùng kỳ) của nông, lâm, thủy sản vào tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Vốn đầu tư thấp làm hạn chế khả năng tạo thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ KHCN vào lĩnh vực này. Điều này cũng là một rào cản khiến cho mối liên kết sản xuất trong các chuỗi sản xuất thường không thành công.
Để giải các bài toán này, cần phải tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay… Bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế.
Và mấu chốt thành công của liên kết 6 “nhà”, nhất thiết phải có những “bà đỡ”. Đó là vai trò hỗ trợ thiết thực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối với các doanh nghiệp. “Bà đỡ” phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.