Sinh sống tại địa phương từ những năm 1977 khi vùng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn hoang sơ, ban đầu chỉ có vài hộ canh tác. Thế nhưng, mới đây người dân bất ngờ nhận được thông báo giải tỏa, thu hồi đất, với giá bồi thường bất hợp lý, không thể tái định cư, phải cầu cứu khắp nơi.
Trường hợp hộ gia đình ông Phan Văn Ngời (61 tuổi, ngụ phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ) từ năm 1996 đã có đơn xin cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (gọi tắt là GCN) với diện tích hơn 204 ha (khai hoang và nhận chuyển nhượng từ những năm 1977). Đến tháng 5/1998, UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) cấp GCN công nhận 8.045 m2 cho ông Ngời, trong đó có khoảng 300 m2 đất ở, 600 m2 đất trồng cây lâu năm và hơn 7.000 m2 đất trồng cây hàng năm.
Ông Ngời cho biết, đến ngày 14/3/2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định số 1728/QĐ-UBND thu hồi đất tại thị trấn Phú Mỹ để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phú Mỹ 1, trong đó có phần diện tích đất của hộ gia đình ông. Theo quyết định này, UBND huyện Tân Thành ban hành quyết định số 6942/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ diện tích đất 58.963 m2 của gia đình trong diện thu hồi, nhưng chỉ có 24.463 m2 được hỗ trợ 5000 đồng/ m2, còn lại 34.500 m2 không được hỗ trợ bồi thường về đất.
Cho rằng quyết định 6942 chưa thỏa đáng, gia đình ông Ngời sau đó đã khiếu nại. Đến ngày 27/2/2014, Chủ tịch UBND huyện Tân Thành ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, sửa đổi bổ sung quyết định số 6942. Theo quyết định này, đất nông nghiệp của gia đình điều chỉnh bồi thường chỉ còn 251 m2 với giá 61.000 đồng/ m2, hỗ trợ chuyển nghề hơn 23 triệu đồng. Tổng cộng, hộ gia đình ông Ngời được nhận chỉ hơn 37 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, cùng thời gian này UBND huyện Tân Thành ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Trong đó, diện tích gia đình ông bị thu hồi 144.000 m2, nhưng chỉ có 110.000 m2 (có hợp đồng khoán) được hỗ trợ 5000 đồng/ m2, còn lại 34.000 m2 diện tích vượt khoán không được hỗ trợ, bồi thường về đất. “Địa phương ban hành hai quyết định kể trên, tổng diện tích đất gia đình chúng tôi bị thu hồi là gần 203 ha, thế nhưng diện tích đất được bồi thường chỉ 251 m2, còn lại chỉ được hỗ trợ rất thấp và chưa thỏa đáng với công sức hàng chục thành viên trong gia đình tôi đã đến từ rất sớm để khai khẩn vùng đất này” - ông Ngời nói.
Được biết, khi hộ gia đình ông Ngời cầu cứu tới nhiều cơ quan ban ngành, vào tháng 7/2020 Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đo đạc lại diện tích theo chỉ ranh của hộ ông Ngời là 229.385,7 m2. Theo ông Ngời thì đây là toàn bộ phần đất gia đình khai hoang và sử dụng liên tục từ năm 1977 cho đến nay. Quá trình sử dụng, gia đình cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước, đồng thời có làm thủ tục để xin cấp GCN.
Cực chẳng đã, hơn chục năm qua, gia đình ông Ngời đưa vụ việc ra tòa hai cấp để mong muốn được bồi thường, giải quyết. Trước đó, bản án sơ thẩm (số 52/2020/HC-ST) của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu lý do chính khiến hộ gia đình ông Ngời dù quản lý, sử dụng diện tích đất lớn nhưng diện tích đất được bồi thường gần như không đáng kể là do phần đất đó liên quan đến đất rừng. Dù vậy, bản án này không hề nhắc đến GCN do UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) cấp vào năm 1998 công nhận 8.045 m2 cho ông Ngời, nhưng cuối cùng chỉ xem xét bồi thường phần diện tích không đáng kể là 251 m2 (!).
Điều đáng nói là hộ gia đình ông Ngời được UBND huyện Tân Thành cấp từ năm 1998 nhưng tới 16 năm sau khi đã ban hành các quyết định thu hồi đất thì đến ngày 18/2/2014, UBND huyện Tân Thành mới tiến hành thu hồi và điều chỉnh GCN với diện tích đất này của gia đình ông...
Trong khi đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tổ chức rút kinh nghiệm vụ án hành chính liên quan đến hộ gia đình ông Phan Văn Ngời. Cụ thể, cơ quan này nhận định cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc xác định diện tích đất thu hồi của gia đình ông Ngời nằm trong ranh giới rừng phòng hộ giữa cơ quan quản lý rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ) và cơ quan thu hồi, bồi thường đất là UBND huyện Tân Thành (nay là UBND thị xã Phú Mỹ) xảy ra mâu thuẫn, chưa thống nhất, nhưng suốt thời gian qua chưa làm rõ để giải quyết thỏa đáng và đúng quy định của pháp luật.