Kinh tế

Bạc Liêu: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Nguyên Du 28/09/2024 21:44

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Bạc Liêu đã góp phần tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, qua đó nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Tiếp sức, gìn giữ thương hiệu OCOP Bạc Liêu

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bạc Liêu đã gặt hái nhiều thành công, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế. Các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu ngày càng có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và phù hợp với thị trường.

z5858093507407_61f8dec71816ffc7dd0e22b8a0e6fb83.jpg
Nhiều sản phẩm nông sản được công nhận OCOP của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Đặng Minh Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như: tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia cũng như quốc tế. Đặc biệt là xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Bạc Liêu hiện có 132 sản phẩm OCOP được công nhận và được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, trong đó có 33 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 99 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Đa phần các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu là đặc sản nổi tiếng địa phương như: Tôm khô, chả lụa, Chả gân, muối tinh, muối hạt, muối tiêu, muối ớt, muối tôm, tôm thẻ nguyên con đông lạnh, tôm thẻ nguyên con hấp/luộc đông lạnh, tổ yến sơ chế sấy khô ….

Sau khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể có sản phẩm OCOP được các cơ quan chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu,… Các sản phẩm đã được nhiều người biết đến hơn. Từ đó, sản xuất sản phẩm số lượng tăng hơn trước từ 20-30%. Đặc biệt, Cơ sở Thiên Hương, Cơ sở Thanh Thủy PP, HTX nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt, Công ty Cổ phần Vũ Võ Bạc Liêu sản xuất sản lượng tăng trên 50% so với trước khi tham gia Chương trình…

z5858091730805_b6f87a508dce7c35a59329b7f9d226db.jpg
Bạc Liêu luôn quan tâm, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP mang đặc thù của tỉnh.

Anh Võ Hùng Mạnh - chủ Cơ sở Thiên Hương chia sẻ, từ khi xây dựng thương hiệu cho đến khi sản phẩm tôm khô, chả cá phi được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, Cơ sở Thiên Hương thường xuyên tham gia các hội chợ, các gian hàng sản phẩm OCOP ở các tỉnh, thành và khu vực cũng như cả nước, thậm chí các hoạt động hội nghị ở nước ngoài. “Năm nào cơ sở cũng đều tham gia ít nhất từ 5 - 7 lần đưa sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá ở các hội chợ OCOP của các tỉnh, thành. Hiện Cơ sở Thiên Hương chuẩn bị tháp tùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm tôm khô ở Huế. Được sự quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp quảng bá, đưa sản phẩm đến với khách hàng của các sở, ngành chức năng của tỉnh nên các sản phẩm của Cơ sở Thiên Hương ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và ngoài nước biết đến” anh Hùng nói.

z5874681351655_cb7dcab3754f913ee70749ea85400b53.jpg
Tôm khô - đặc sản của tỉnh Bạc Liêu được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Nên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Tân Huy Hoàng, phường 2, (thành phố Bạc Liêu) chia sẻ: Hợp tác xã sản xuất nhiều mặt hàng như: Tôm khô, tôm lụi, tôm chao … trước đây khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do chưa nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được ngành chức năng hỗ trợ quảng bá, sản phẩm tôm khô được tiêu thụ ngày càng tăng, có những thời điểm như dịp Tết Giáp Thìn vừa rồi dù hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Kim Nên cho rằng: Sự quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại của các cấp chính quyền và ngành chức năng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chủ thể quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến với khách hàng.

Nâng tầm, đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Cùng những thành công, Chương trình OCOP vẫn đối mặt với một số thách thức trong việc đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường, cải thiện quy trình sản xuất... Vì vậy, để đưa thương hiệu OCOP Bạc Liêu vươn xa hơn nữa, tỉnh đang tích cực hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực để đầu tư, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao và bền vững.

z5858080325097_f6240883dd2d6940ed53a053426c5f1b.jpg
Bạc Liêu tham gia chương trình giao lưu Gặp gỡ Hàn Quốc tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhìn nhận: Việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh tuy có triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Vì thế, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Phạm Văn Thiều cho rằng: các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh, tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Cùng với đó, quan tâm chú trọng để đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường. Có như vậy, việc thực hiện Chương trình OCOP mới thật sự đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh đặt mục tiêu định hướng và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp OCOP tiêu biểu, tiềm năng. Theo đó, chủ động nghiên cứu, sửa đổi và ban hành các chính sách ưu đãi tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất. Đây là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thúc đẩy sự phát triển vững chắc của các doanh nghiệp OCOP. Đồng thời, tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp OCOP đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế.

z5857787178934_56976338dc2781c442fbc371853b16ba.jpg
Đánh giá sản phẩm OCOP Tỉnh Bạc Liêu.

Theo ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Xác định phát triển thương hiệu cũng là một chiến lược "then chốt" giúp OCOP Bạc Liêu tiến xa hơn, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại và trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội lớn. Đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm. Qua đó giúp các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, ngoài nước đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.

Để làm được điều này, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm. Thông qua đó, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm thế mạnh của địa phương, chấp cánh cho sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạc Liêu: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa