Theo Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2028, thị trường này được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Như vậy, bắt đầu từ năm 2025, hơn 1.900 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thể mua tín chỉ carbon trong nước...
Thiết lập khung pháp lý
Chia sẻ về định hướng và quy định pháp lý trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam bà Đặng Thị Thủy - Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính, Bộ Tài chính cho biết, đề án phát triển thị trường carbon, do Bộ Tài chính chủ trì cùng sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất. Đây là một bước đi chiến lược nhằm tham gia vào xu thế toàn cầu, khi nhiều nước như Liên minh Châu Âu (EU) và Singapore đã phát triển các mô hình thị trường carbon thành công.
Về nhiệm vụ phát triển thị trường carbon, bà Thủy cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) sẽ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon, bao gồm: Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và xác nhận tín chỉ carbon, các giao dịch này được thực hiện trên sàn; Xây dựng và thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Bộ còn vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon quốc tế. Bộ cũng sẽ thí điểm và triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon để quản lý, theo dõi và giám sát thị trường này.
Hiện nay, Bộ TNMT đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Những vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam chuẩn bị thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Làm sao vận hành hiệu quả?
Hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp quan tâm. Ước tính trong giai đoạn 2021- 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40- 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên làm thế nào để khai thác hiệu quả giá trị này, còn rất nhiều việc phải làm.
Theo ông Lương Quang Huy - Cục biến đổi khí hậu (Bộ TNMT), việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc chưa quy định cụ thể. Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng.
Ngoài ra, kinh phí cần bố trí trước để xây dựng dự án, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ là tương đối lớn. Hiện chưa có định giá về giá tín chỉ các-bon rừng làm cơ sở cho việc đàm phán về giá với bên mua. Trong khi đó, các tiêu chuẩn quốc tế đưa ra yêu cầu rất cao về kỹ thuật, môi trường, xã hội để đánh giá, thẩm định và cấp tín chỉ.
Ông Hoàng Văn Tâm, chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, việc phát triển và vận hành thị trường carbon sẽ là cơ hội để huy động nguồn vốn xã hội tham gia vào hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa thị trường carbon vào vận hành. Đến năm 2029, Việt Nam sẽ có thị trường carbon đầy đủ.
Ông Tâm cho biết, từ nay đến năm 2028 là giai đoạn mà các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành được thị trường carbon, trong đó có vấn đề các quy định liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để tạo ra những tín chỉ carbon có chất lượng cao trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ phải có tầm nhìn dài hạn để đón trước, bắt kịp những xu thế và đấy chính là những cơ hội. Đồng thời, cũng là thách thức khi phải có kinh phí, có nguồn tài chính để đầu tư cho công nghệ.
Theo bà Nghiêm Phương Thúy (Cục Lâm nghiệp), thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon có chất lượng cao (carbon xanh...); trong đó cần chú trọng vấn đề truyền thông, tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, kiểm kê khí nhà kính, báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng cơ sở dữ liệu. Hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ các bon rừng...