Bước vào cuộc sống hôn nhân, ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, nhưng thực tế có không ít cuộc hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng biệt ly, mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình (BLGĐ) gây ra.
Để con trẻ được sống trọn vẹn trong tình yêu thương thì hạnh phúc gia đình là nền tảng căn bản nhất.
BLGĐ là các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình, chủ yếu xảy ra giữa chồng với vợ, nạn nhân thường là phụ nữ. BLGĐ xảy ra ở mọi quốc gia, mọi nền văn hoá, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, trình độ học vấn và để lại nhiều tổn hại đối với cộng đồng xã hội, đặc biệt đối với nạn nhân bị bạo hành. Bạo lực có nhiều hình thức cả về thể xác và tinh thần, lẫn cưỡng bức xâm hại tình dục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, do quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ”, tư tưởng gia trưởng vẫn nặng nề trong nhiều gia đình, do nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội còn hạn chế… Ngoài ra còn do tác động của các chất kích thích như bia, rượu, ma túy, rồi thói trăng hoa...
Phụ nữ đối mặt với các hành vi BLGĐ đa phần không thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh mà cam chịu, không dám lên tiếng chỉ vì “xấu chàng hổ ai” điều này đã “nuôi dưỡng” tính gia trưởng hiếu thắng của chồng. BLGĐ ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thể chất người phụ nữ. Hậu quả ngoài hai người trong cuộc gánh chịu thì trẻ em cũng là đối tượng bị tổn thương nặng nề.
Hiện nay BLGĐ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về hành vi BLGĐ, sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế, chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên. Để ngày càng giảm thiểu nạn BLGĐ, rất cần mọi người chung tay giải quyết và nhận thức được rằng đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm.
Trước những hậu quả nghiêm trọng của nạn BLGĐ, năm 2007, Nhà nước ban hành Luật Phòng chống BLGĐ.
Bắc Ninh là tỉnh duy nhất đưa kinh phí thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ từ tỉnh đến thôn, làng, khu phố. Nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về Luật Phòng, chống BLGĐ được tổ chức đa dạng, nhiều CLB, mô hình, giải pháp được áp dụng hiệu quả trong phòng, chống BLGĐ tại các địa phương.
Đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đều biết đến Luật Phòng, chống BLGĐ và hiểu rằng bạo lực đối với thành viên trong gia đình là vi phạm pháp luật.
Nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống BLGĐ được nâng lên; công tác tham mưu quản lý nhà nước ở các cấp được thực hiện tương đối đồng bộ.
Toàn tỉnh hiện có 91/126 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình PCBLGĐ; có 624 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 415 CLB gia đình phát triển bền vững...
Để đẩy lùi BLGĐ, ngoài sự chung tay góp sức của xã hội và cộng đồng, chị em phụ nữ cần nhận thức rõ vai trò tự cứu mình, cùng chồng xây dựng ngôi nhà hạnh phúc để con trẻ được sống trọn vẹn trong tình yêu thương.