Có vị trí địa lý ở một trong những nơi nóng nhất và khô hạn nhất trên Trái Đất, Trung Đông và Bắc Phi đang phải đối mặt với khả năng cạn kiệt nguồn nước, đến nỗi họ phải tính tới cách lọc nước biển.
Ảnh minh họa.
Trung Đông và Bắc Phi (MENA) hiện là khu vực khan hiếm nước nhất thế giới, trong đó có tới 17 quốc gia thuộc khu vực này đang ở dưới mức nghèo về nguồn nước, theo quy chuẩn của LHQ. Nước ở khu vực này đang được tiêu thụ nhiều hơn so với mức mà chúng được sản sinh ra, đồng nghĩa với việc các nước MENA đang sử dụng nước quá lượng mà họ được phép.
Đó là thực tế được công bố trong bản báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB). Là nơi ở của khoảng 6% tổng dân số thế giới, nhưng lại chỉ sở hữu 1% tổng lượng nước sạch của toàn thế giới, khu vực MENA cần phải có hành động khẩn cấp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nguồn cung và lượng tiêu thụ nước.
Đối mặt với tình trạng cạn nguồn nước
Cạn nguồn nước vốn đã là một vấn đề tồn tại suốt hàng trăm năm qua ở các nước MENA. Ngày nay, đà tăng dân số và tăng trưởng kinh tế nhanh cùng hiện tượng biến đổi khí hậu - trong đó gây ra nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng, giảm lượng mưa và tốc độ bốc hơi nước nhanh - đã ảnh hưởng tới nguồn cung nước trong khu vực này.
Tổng cộng 13 quốc gia ở MENA đã bị đánh giá là cạn kiệt nguồn nước trong năm 2014, theo Tổ chức Nông Lương của LHQ (FAO). Đươc biết, các quốc gia được coi là chịu tình trạng cạn nguồn nước khi mà nguồn cung nước hàng năm đến từ các nguồn tự nhiên của họ giảm xuống dưới 500 mét khối/đầu người.
Có 7 nước trong số 13 nước này nằm trên bán đảo Arab, khu vực vốn nổi tiếng là có khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Như một hậu quả, một số quốc gia đang tiêu thụ lượng nước nhiều hơn lượng mà họ có thể sản xuất.
Tiêu thụ nước không bền vững
Việc sử dụng nước không bền vững diễn ra ở nhiều khu vực, nơi mà nguồn nước được lấy từ các con sông hay từ các mạch nước ngầm, khi mà tốc độ khai thác nước nhanh hơn tốc độ nguồn nước phục hồi nhờ các trận mưa, theo báo cáo của WB.
"Khi các bạn hút lượng nước nhiều hơn khối lượng nước được sản sinh, các bạn đã làm ảnh hưởng tới các tầng ngậm nước, mạch nước ngầm" - Claudia Sadoff, Giám đốc Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI), nhận định - "Các bạn đã gây tổn hại các hệ sinh thái độc lập, và gây tổn hại tới cả năng suất và cuộc sống hộ gia đình".
Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu như có rất nhiều trận mưa lớn trong vòng một năm, giúp lấp đầy các tầng ngậm nước.
Theo báo cáo của WB, việc sử dụng nguồn nước ngầm một cách không bền vững đang diễn ra trên khắp bán đảo Arab. Nhưng một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi lại đưa ra được những biện pháp cực kỳ thông minh để cung cấp đủ lượng nước cho chính họ.
Tách muối khỏi nước biển
Một biện pháp khá phổ biến để tăng nguồn cung ứng nước chính là tách muối khỏi nước biển trong quá trình được gọi là khử muối. MENA hiện nay là khu vực chiếm tới hơn một nửa các hoạt động khử muối của toàn thế giới, theo WB, giúp nó trở thành thị trường khử muối lớn nhất thế giới.
Hoạt động khử muối hiện đang được áp dụng ở khoảng 150 quốc gia và Hiệp hội Khử muối Quốc tế (IDA) ước tính rằng có hơn 300 triệu người trên thế giới đang sống nhờ một phần vào lượng nước được khử muối. Nhưng ở Trung Đông, hoạt động khử muối sản sinh ra lượng khí thải carbon rất lớn do phụ thuộc vào các nhà máy khử muối bằng nhiệt. Các nhà máy này sử dụng nhiên liệu hóa thách để sinh nhiệt lượng để cô đọng nước tinh khiết.
Để giảm tác hại về mặt môi trường, chính phủ các nước ở khu vực này đã đưa ra các dự án đầy tham vọng nhằm khử muối bằng năng lượng mặt trời. Tổng thư ký của IDA, Shannon McCarthy, cho hay bà tự tin rằng nguồn năng lượng tái sinh sẽ giúp cho quá trình khử muối trở nên rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Vượt qua khủng hoảng nước
Hiện nay, lượng nước được khử muối lớn nhất được sản sinh từ khu vực Vùng Vịnh, nơi mà một số quốc gia phải phụ thuộc 90% vào lượng nước được khử muối, theo bà McCarthy. "Các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước được khử muối bởi họ không có một nguồn nào thay thế", vị chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, do quá trình khử muối cần các trang thiết bị đắt tiền và công nghệ, khiến cho các nước nghèo không thể chịu nổi chi phí. Bởi vậy một số chuyên gia đã đưa ra đề xuất thay thế khác, bao gồm xử lý nước thải, sử dụng nước ngầm, nước mưa...
Ở một số quốc gia nghèo hơn như Yemen, Libya, khu Bờ Tây và Dải Gaza, người dân phần lớn sống dựa vào nguồn nước ngầm, tự tìm kiếm nguồn nước cho mình. Ở những nơi này, giá nước sạch cực kỳ cao.
Báo cáo của WB chỉ ra rằng sự bất bình đẳng trong cung cấp nước sạch đã khiến cho khu vực MENA tiêu tốn tới 21 tỷ USD mỗi năm vì tổn thất kinh tế. Số tiền tổn thất này bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe, mùa màng thất thu, và cả tình trạng trẻ em tử vong sớm do thiếu nước sạch.
Sức ép dân số và tăng trưởng kinh tế, kết hợp với hiện tượng biến đổi khí hậu càng khiến cho khủng hoảng nước ở MENA thêm phần trầm trọng. Báo cáo của WB cho rằng các yếu tố thêm sẽ làm tăng cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn nước giữa các quốc gia trong khu vực, từ đó làm nảy sinh căng thẳng chính trị.
Nếu tình trạng hiện nay vẫn tiếp diễn, khoảng 60% khu vực MENA sẽ phải đối mặt với tình trạng cạn nước sạch vào năm 2040, theo ước tính của WB. Đến năm 2050, tình trạng cạn nguồn nước gây ra do biến đổi khí hậu có thể khiến toàn khu vực này tổn thất 6-14% GDP.
Đối với giới chuyên gia, hiện nay khu vực MENA chỉ có 3 giải pháp khả thi nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước sạch: Sử dụng hiệu quả nguồn nước, sử dụng nguồn nước một cách đa dạng hơn và cần sản sinh thêm nguồn nước sạch. Trong bối cảnh MENA đang cạn dần nguồn nước, cả 3 chiến lược trên đều đang được các nước trong khu vực cân nhắc nhằm đảm bảo an ninh nước sạch cho các thế hệ tiếp theo.