Bác sỹ mang quân hàm xanh ở Đắk Lắk: Hết lòng vì đồng bào vùng biên

Thanh Nga 27/02/2022 15:09

Các Trạm xá kết hợp quân - dân y của các Đồn Biên phòng (thuộc Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk) tại các xã biên giới: Ia Lốp, Ia R’vê, Ea Bung (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) mỗi năm khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người dân, bộ đội, gia đình chính sách… Mô hình này đã góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên cương Tổ quốc.

Ia Lốp là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), người dân trong xã chủ yếu là những người đi kinh tế mới và di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến lập nghiệp.

Do điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông vất vả nên việc cứu chữa người bệnh không được kịp thời. Nhiều người vì khó khăn, không có phương tiện đi lại đành “phó mặc” cho thầy cúng chữa trị bệnh bằng cúng bái..., một số trường hợp bệnh ngày càng nặng dẫn đến tử vong.

Đại úy, y sĩ Hoàng Đức Thọ, Trạm xá quân dân y xã Ia Lốp khám bệnh cho người dân.

Ở tuổi xế chiều, bà Lê Thị Tiên ở thôn Đừng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp thường bị bệnh đau nhức xương khớp hành hạ không đi lại được. Hằng ngày, bà được những thầy thuốc ở Trạm quân dân y xã Ia Lốp thường xuyên thăm khám, chữa trị và chăm sóc.

Bà Tiên kể, hồi trước bà con thôn Đừng còn mê muội lắm, mỗi lần đau ốm là tìm đến thầy cúng để đuổi “con ma rừng” cho mau khỏi bệnh, hoặc phải đi hơn 50km đường đất để ra huyện chữa bệnh rất vất vả. Từ khi có Trạm quân dân y của mấy chú bộ đội về thôn, người dân ai ốm đau đều tìm tới nhờ các thầy thuốc Biên phòng thăm khám và cho thuốc.

Đại úy Hoàng Đức Thọ, cán bộ phụ trách Trạm xá Quân dân y xã Ia Lốp cho biết: Mới đây, từ nguồn vốn Quỹ xã hội từ thiện Tâm Nguyện Việt hơn 600 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng thêm Trạm xá quân dân y tại địa bàn xã Ia Lốp thuộc Đồn Biên phòng Ea H’leo.

Trạm tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ quân y Trạm xá quân dân y xã Ia R’vê cấp thuốc cho người dân.

Cũng như Trạm xã quân dân y xã Ia Lốp, tại xã biên giới Ea R’Vê, những bác sĩ mang quân hàm xanh cũng ngày đêm tích cực thực hiện công tác quân dân y kết hợp một cách hiệu quả.

Bác sĩ, Đại úy Hoàng Ngọc Linh, cán bộ phụ trách Trạm quân dân y xã Ia R’vê đã có gần 20 năm gắn bó với nhiều đơn vị Bộ đội biên phòng ở Tây Nguyên. Anh rất hiểu những khó khăn của người dân vùng biên, từ đó đã tận tụy đóng góp sức mình cùng các y, bác sĩ khác, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Anh chia sẻ, trên địa bàn xã có rất nhiều trường hợp bị bệnh nan y, trạm xá áp dụng nhiều biện pháp đông tây y kết hợp để khám chữa bệnh hiệu quả. Như trường hợp bà Hom ở thôn 5 và bà Hằng ở thôn 2 xã Ia R’vê, là 2 lao động chính của gia đình bị liệt tay chân.

Anh đã dành thời gian cả tháng trời, cần mẫn hàng ngày đến tận nhà chữa trị, châm cứu, đến nay 2 bà đã khỏi bệnh và đi lại, lao động bình thường.

Miệt mài chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những thầy thuốc mang quân hàm xanh luôn nhận được sự tin yêu của đồng bào nơi biên giới.

“Có những đêm mưa gió anh em quyết tâm vào tận nhà bà con để kịp thời sơ cứu bệnh nhân nguy kịch trước khi chuyển lên bệnh viện. Mùa nắng thì còn đỡ, vào mùa mưa bão thì rất vất vả.

Có những lúc nửa đêm đang ngủ, người dân đến gõ cửa, họ đi rẫy về bị thương mình phải dậy xử lý, khâu vá kiểm tra vết thương. Những người già không đi lại được, mình phải đến tận nhà… Cán bộ, chiến sĩ quân y tìm đủ mọi cách để tiếp cận xử lý bước đầu cho bệnh nhân”, bác sĩ Linh nói.

Miệt mài chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những thầy thuốc mang quân hàm xanh luôn nhận được sự tin yêu của đồng bào nơi biên giới. Bà Đinh Thị Kén, ở thôn 5 xã Ia Rvê năm nay đã 82 tuổi, bị đau ốm thường xuyên.

Được cán bộ quân y thăm khám tận tình, bà Kén cảm động: “Bộ đội Biên phòng giúp bà con nhiều lắm, lúc ốm đau thì nhờ có các chú bộ đội cho thuốc, cho cái này cái khác giúp đỡ bà con. Tình cảm quân với dân như cá với nước, thắm thiết lắm”.

Bộ đội biên phòng gặp gỡ, tuyên truyền vận động quần chúng.

Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R'vê, huyện Ea Súp, cho biết, Ia R’vê là xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 67,4%, cơ sở vật chất y tế tuyến xã còn hạn chế. Một số thôn trong xã cách xa trạm quân y đến 50km, đường đi lại khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân y vẫn đến tận nơi để chăm sóc sức khỏe cho dân.

Bà Thủy khẳng định, với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ quân y, công tác khám chữa bệnh cho người dân ở địa phương đã được cải thiện. “Nếu không có sự giúp đỡ của quân y biên phòng, việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân sẽ khó đảm bảo”, bà Thủy nói.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bà con, lực lượng quân y ở các đồn biên phòng trên tuyến biên giới còn phối hợp chặt chẽ với các đội công tác vận động quần chúng địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; vận động các hộ gia đình chấp hành tốt pháp luật, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Mô hình Quân dân y kết hợp của Bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã phát huy tốt phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, làm cho hình ảnh "người thầy thuốc quân hàm xanh" ngày càng được tỏa sáng, góp phần thắt chặt tình cảm quân dân nơi vùng biên cương Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sỹ mang quân hàm xanh ở Đắk Lắk: Hết lòng vì đồng bào vùng biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO