Với bề ngoài đặc biệt, bạch tuộc được xem là giống với... người ngoài hành tinh. Với 8 xúc tu, hơn 1.000 giác mút và 3 trái tim, chúng không giống với bất kỳ loại động vật nào. Thêm nữa, đây là loài khá thông minh và có khả năng tấn công kẻ thù rất ghê gớm.
Người ta cho rằng, có khoảng 280 đến 300 loài bạch tuộc trên trái đất, chiếm hơn 1/3 tổng số động vật thân mềm. Điểm đáng chú ý nhất của chúng là ở bộ xúc tu, được coi là những cánh tay vô cùng uyển chuyển và nguy hại khiến chúng trở thành “quái vật” biển cả. Một đặc điểm nữa cũng rất đáng chú ý là toàn thân bạch tuộc không có xương và cũng không có vỏ ở ngoài bảo vệ như loài ốc chẳng hạn. Cấu tạo này giúp chúng có thể luồn lách, kể cả trong những khe đá cực hẹp. Thân hình “mềm như bún” giúp bạch tuộc thoát hiểm một cách rất tài tình khi bị kẻ thù tấn công. Cấu tạo thân mềm cũng giúp chúng chịu áp lực nước rất tốt. Vì thế, có những loài bạch tuộc sống được ở tầng nước ngầm sâu hàng cây số, nơi rất ít sinh vật có thể tồn tại do thiếu ánh sáng mặt trời, ít thức ăn, áp lực nước cực lớn.
Đảo Stromboli là một trong những nơi lửa hoạt động rất mạnh. Dưới mặt nước là một thế giới khốc liệt các sinh vật bị đá nghiền nát bị thiêu cháy bởi nhiệt độ khủng khiếp và bị ăn thịt bởi những kẻ săn mồi. Nhưng đây cũng lại là “thiên đường” cho loài bạch tuộc lửa.
Tuy được cho là một loài thủy quái, nhưng bạch tuộc không sống dai. Hầu hết các loài bạch tuộc chỉ sống được từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vòng đời ngắn nên chúng phát triển rất nhanh. Từ khi sinh ra cho đến khi tự kiếm được thức ăn nuôi sống bản thân có khi chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày. Tuy nhiên, tại Bắc Thái Bình Dương, người ta ghi nhận có những loài bạch tuộc khổng lồ mà vòng đời có thể kéo dài tới 5 năm. Loài bạch tuộc này nghiễm nhiên trở thành sinh vật biển đáng sợ, với “bó” tay rất dài, khả năng tấn công, nắm bắt, giết chết đối thủ.
Một câu hỏi đặt ra là: Với khả năng tồn tại tiềm tàng trong môi trường tự nhiên, nhưng vì sao bạch tuộc lại “chết non”? Câu trả lời hóa ra cũng không quá phức tạp khi biết rằng bạch tuộc đực chỉ sống được không quá 2 tháng sau khi “kết bạn”. Còn bạch tuộc cái lại chết không lâu sau khi ổ trứng nở. Có nghĩa là chính sự giao phối, sinh sản để duy trì và phát triển giống nòi lại là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chúng.
Với bề ngoài “ghê rợn”, bạch tuộc đem lại nỗi khiếp sợ cho nhiều người.
Cho tới nay, những nhà nghiên cứu hải dương học vẫn không đưa ra được câu trả lời rõ ràng vì sao bạch tuộc lại có 3 trái tim. 2 trái tim bơm máu xuyên qua hai mang trong khi trái tim thứ 3 bơm máu đi khắp thân thể. Lẽ ra với “hệ” tim khác thường ấy chúng phải sống lâu hơn, nhưng ngược lại chúng lại khá yếu ớt khi một trong 3 quả tim bị tổn thương. Một đặc điểm nữa là do chất Haemocyanin được hoà tan trong huyết tương thay vì trong những hồng cầu nên đã tạo cho máu bạch tuộc có màu xanh.
Bằng những gì quan sát được trong thực tế, giới nghiên cứu cho rằng bạch tuộc là loài khá thông minh. Có người còn cho rằng chúng thông minh hơn bất kỳ một động vật thân mềm nào. Thật khó tưởng tượng được rằng chúng có cả trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, khi bị rơi vào bất cứ “mê cung” nào, chúng cũng tìm được lối thoát. Trí thông minh của chúng lại không hề truyền lại cho thế hệ sau bằng cách “dạy dỗ” như phần lớn các loài khác, vì rằng bạch tuộc con chỉ 1 ngày tuổi đã sống xa bố mẹ, tự sống, tự kiếm ăn trong biển cả mênh mông.
Bạch tuộc là món đặc sản biển.
Người ta cũng nhận ra rằng, bạch tuộc có một hệ thần kinh phức tạp. 2/3 nơron nằm trong những dây thần kinh ở các tua của nó. Chính vì thế mà những “bó” tay của chúng như thể có mắt, mỗi khi săn mồi thì hầu như không thất bại. Ngư dân trên biển kể rằng, họ từng chứng kiến những con bạch tuộc bò vào thuyền, mở nắp bắt cua để ăn. Cách hành xử ấy chỉ thấy ở động vật trên cạn, còn thì dưới nước có lẽ bạch tuộc là loài thân mềm duy nhất có được điều ấy.
Không chỉ giỏi tấn công, bạch tuộc còn là loài có khả năng tự vệ hết sức đặc biệt. Chúng có khả năng phun mực, ngụy trang và tự tháo bỏ tua khi cần thiết. Điều đó giúp chúng thoát khỏi kẻ thù, nhất là đứng trước nguy cơ bị cá mập giết thịt. Riêng với các tua, chúng có thể tháo rời giống như thằn lằn vậy, nhằm đánh lạc hướng kẻ thù.
Trong số các nghiên cứu về bạch tuộc, đến nay người ta vẫn coi cuốn “Bạch tuộc! Bạch tuộc” của Ketherine Harmon Courage là rất giá trị. Một số luận điểm chính được tác giả nêu ra trong quá trình nghiên cứu là:
- Bạch tuộc là loài động vật không xương sống thông minh nhất trên trái đất. Chúng có thể mở được một cái chai (đựng kẹo chẳng hạn), lấy ra rồi “phân chia” cho đồng loại.
- Bạch tuộc là loài mù màu. Với khả năng trí tuệ được thừa nhận những chúng lại không phân biệt được màu sắc, sáng tối. Có lẽ chính vì thế mà chúng có thể sống bình thường dưới đáy đại dương lạnh lẽo và tối tăm.
- Không chỉ tự tháo rời các xúc tu để trốn tránh, đánh lạc hướng kẻ thù, bạch tuộc còn có khả năng “tái tạo” những xúc tu ấy trong thời gian ngắn.
- Máu của chúng là màu xanh chứ không phải màu đỏ, vì trong máu có nhiều đồng hơn sắt.
- Bạch tuộc thường có 8 xúc tu với 240 giác mút/mỗi xúc tu. Tổng cộng chúng có khoảng 1.920 giác mút. Điều đó khiến cho “bó” tay của chúng trở nên rất ghê gớm.
- Bạch tuộc có một loại chất độc hủy hoại hệ thần kinh của con mồi.
- Chỉ cần 3 giây, bạch tuộc đã có thể thay đổi màu sắc và họa tiết trên da hòa lẫn với môi trường xung quanh một cách hoàn hảo. Điều đó giúp chúng thoát nạn trong gang tấc.
- Thịt bạch tuộc có hàm lượng dinh dưỡng cao. Riêng bộ xúc tu của chúng cũng đã là một món đặc sản biển thú vị.