Theo đánh giá của Hệ thống giáo dục Hocmai, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội sáng 8-7 đạt 2 yêu cầu: Phân loại thí sinh xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH- CĐ.
Theo đó, các giáo viên của hệ thống giáo dục Hocmai có nhận xét chung như sau: Mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội: Địa lí; Lịch sử và Giáo dục công dân vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GDĐT đã công bố. 75% số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ Vận dụng và Vận dụng cao dùng để phân hóa thí sinh. Nhận định cụ thể từng môn như sau:
Môn Lịch sử: Đây là môn thi đầu tiên trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, có 95% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 5% câu hỏi thuộc lớp 11, riêng với câu hỏi lớp 12, có 75% câu hỏi thuộc học kỳ I.
Mức độ tương đương đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2021 nhưng có điểm khác là phần lịch sử thế giới không xuất hiện câu hỏi Vận dụng, Vận dụng cao. Dạng bài so sánh và liên chuyên đề xuất hiện nhiều. Đề thi không rơi vào các nội dung đã điều chỉnh dạy học trong năm học 2020-2021.
75% câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu, trong đó các câu hỏi tập trung vào phần lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000. Các câu hỏi đều là những kiến thức cơ bản, hỏi về đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn. Đề thi có sự tương đồng với đề tốt nghiệp THPT 2020, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp.
Đặc biệt, câu 20 hỏi về kiến thức bài 25 (là nội dung thuộc chương trình giảm tải theo công văn 5842/BGDĐT-VP nhưng theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH vẫn dạy, nên nếu học sinh không chú ý hoặc chủ quan có thể bỏ qua nội dung này), đặc biệt xuất hiện dạng câu hỏi về mối liên hệ lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới ở mức độ cơ bản ví dụ câu 23, 27 (mã 307).
25% câu hỏi thuộc phần kiến thức trên 7 điểm, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi lịch sử thế giới thuộc nội dung này. Dạng bài chủ yếu xuất hiện trong phần này là dạng so sánh các giai đoạn lịch sử, tổng kết tìm ra điểm chung, hoặc rút ra bài học kinh nghiệm.
Đặc biệt, Câu 31, 33, 37 (mã 307) những câu hỏi này yêu cầu học sinh cần vận dụng kiến thức lịch sử xuyên suốt từ 1919 đến 2000, đòi hỏi khả năng đánh giá, nhận xét.
Môn Địa lí: Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Tỉ lệ câu hỏi lí thuyết /thực hành là 62,5%/37,5%.
75% câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu, có 15 câu hỏi sử dụng Atlat tương đương đề thi tham khảo TN THPT 2021 mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố ngày 31/3/2021. 25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng – Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí tự nhiên, địa lí các vùng kinh tế và thực hành kĩ năng địa lí.
Tương tự như đề thi tham khảo, các câu hỏi tập trung kiểm tra đặc trưng của từng ngành kinh tế, vùng kinh tế. Riêng câu hỏi về kĩ năng có sử dụng bảng số liệu, thí sinh cần có kĩ năng tính toán cơ bản và nắm được đặc trưng của các dạng biểu đồ mới có thể xử lí được.
Các câu 77, 78, 79, 80 (mã 307) đều thuộc chuyên đề Địa lí các vùng kinh tế là những câu hỏi cực khó do khai thác kiến thức liên chuyên đề: Địa lí vùng và địa lí tự nhiên, địa lí ngành. Học sinh cần có kiến thức xuyên suốt các phần để giải quyết được nội dung này.
Nhìn chung, mức độ câu hỏi khó hơn hơn đề thi tham khảo. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự. Đề thi Đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.
Môn Giáo dục công dân: Đây là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11, riêng với câu hỏi lớp 12, có 66% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu.
Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức SGK có thể đạt điểm 7 - 8. Hai chuyên đề Pháp luật và đời sống; Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo là những chuyên đề mới, mức độ câu hỏi trong hai chuyên đề này khó hơn đề thi tham khảo,.
25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, dạng bài không có điểm mới so với đề thi tốt nhiệp THPT 2020, có một số câu hỏi mang tính thời sự như vấn đề dịch bệnh COVID-19, (câu 111 - mã 321, vấn đề cá độ bóng đá (118 - 321)....
Các câu hỏi cực khó tập trung ở các chuyên đề như: Thực hiện pháp luật, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ.
Đặc biệt, các câu hỏi cực khó: 111, 116, 118, 119 (mã 321), 111, 113, 114, 116 (mã 324) là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Học sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Nhận định chung: Mức độ căn cứ vào tỉ lệ cấp độ nhận thức tương đương đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2021, tuy nhiên về độ khó thì nhỉnh hơn đề tham khảo, xuất hiện nhiều câu hỏi mang tính thời sự như về dịch Covid-19, cá độ bóng đá...
Câu hỏi thuộc phần lớp 11 có độ khó cao hơn. Phần kiến thức lớp 12 trải đều cả 9 chuyên đề, học sinh cần học đồng đều, tránh học tủ. Đề thi không rơi vào các nội dung đã điều chỉnh dạy học trong năm học 2020-2021 và bám sát đề tham khảo của Bộ GDĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu của kì thi.