Tính đến ngày 3/6, Việt Nam đã có 48 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc kích cầu du lịch nội địa thì bài toán “mở cửa” đón du khách quốc tế vẫn đang được các cơ quan quản lý cân nhắc.
Sau dịch Covid-19, Việt Nam đang hứa hẹn sẽ là một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Ảnh: Quang Vinh.
Tạo sức bật phục hồi
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, trong tháng 5/2020, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 22,7 nghìn lượt người, giảm 13,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, giảm 98,3%. Tuy nhiên, việc tụt giảm trên cũng là điều dễ hiểu khi Việt Nam dù đã bỏ giãn cách xã hội nhưng vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Thế nhưng theo các chuyên gia dự báo, khi thế giới hết dịch, Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Ở đó, trước mắt bên cạnh việc chọn đúng thời điểm để “mở cửa” thì ngành du lịch cần tăng cường khâu quảng bá, khẳng định sự an toàn của các điểm đến, để nhanh chóng lấy lại sức bật, sẵn sàng các kế hoạch đón khách quốc tế.
Để giải “bài toán” này, theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn: Chúng tôi mong chờ tới “ngày bình thường”, nối lại các hoạt động không chỉ du lịch mà còn giao thương, thương mại, ngoại giao... Một điều nữa khiến chúng tôi quan tâm là thị trường du lịch quốc tế trọng điểm. Trọng điểm trước đây tùy thuộc vào quy mô, lợi ích... còn giờ ta phải xác định lại thị trường trọng điểm để ưu tiên phát triển du lịch.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: Nhà chức trách hàng không có vai trò rất lớn, cần sự phối hợp để mở cửa các chuyến bay. Trong đó, Tổng cục Du lịch có thể kiến nghị các đơn vị liên quan để có mục tiêu mở cửa sớm. Hai là quảng bá Việt Nam như một điểm đến an toàn, đây là nhiệm vụ chung cả nước, của mọi người, có kịch bản xử lý dịch Covid-19 cho du khách yên tâm khi tới. Ba là sau đại dịch Covid-19, cơ cấu, tập quán của du khách nước ngoài tới Việt Nam có thể thay đổi, chúng ta cần tìm hiểu để đáp ứng phục vụ. Ngoài ra, theo đề xuất của đại diện Vietnam Airlines, Tổng cục Du lịch nên có bộ phận thiết kế sản phẩm du lịch khiến nó đặc biệt hơn để lan toả tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách.
Cơ hội và thách thức
Có thể thấy, du lịch Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Bởi với những gì đã làm được trong việc phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn với du khách quốc tế. Minh chứng rõ nhất là thời gian qua hàng loạt các cơ quan thông tấn quốc tế đã đăng tải những hình ảnh quảng bá về Việt Nam.
Việc “mở cửa” đón du khách quốc tế vẫn đang được cân nhắc. Ảnh: Quang Vinh.
Mới đây, kênh truyền hình Australia 7News đã thực hiện chương trình chuyên đề, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt ca ngợi vẻ đẹp và sự an toàn của du lịch Việt. Bên cạnh việc giới thiệu nhiều hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam được quay tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Ninh Bình, Hà Nội, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)… Đặc biệt, nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới cũng đã bình chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu sau dịch Covid-19.
Nhưng bên cạnh cơ hội đang có được, thực tế sự nghi ngại về việc bùng phát dịch Covid-19 khi mở cửa đón khách quốc tế vẫn đang là điều được các cơ quan quản lý cân nhắc. Bởi thực tế với khách quốc tế khi sang Việt Nam không thể thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly (14 ngày) rồi mới tham gia các hoạt động du lịch... Và chỉ cần một ca lây nhiễm trong cộng đồng rất có thể sẽ biến những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch thời gian qua trở về con số 0.
Đơn cử mới đây, Nhật Bản sẽ xem xét cho công dân của Việt Nam cùng Thái Lan, New Zealand và Australia nhập cảnh sớm. Tuy nhiên, hiện giờ tâm lý e ngại dịch vẫn còn nên nhiều người Việt chia sẻ chưa dám đi du lịch nước ngoài trong thời gian tới, nếu dịch bệnh ở các nước chưa được kiểm soát.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Cần chuẩn bị lộ trình, cách thức tiếp cận các thị trường quốc tế đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trước hết có thể chuẩn bị đón khách quốc tế từ các thị trường có khả năng tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan cũng như một số thị trường có đủ điều kiện như Australia, New Zealand...
Cũng theo ông Khánh, Tổng cục Du lịch cũng đã chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế. Nếu đến thời điểm tháng 9/2020 dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, thì ngành du lịch sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng các hạn chế. Những thị trường gần trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á sẽ là những thị trường khách quốc tế đến đầu tiên. Khả năng trong quý IV sẽ bước đầu có khách quốc tế đến Việt Nam. “Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm sẽ tính đến phương án khác bởi thực tế là đến thời điểm này dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp”, đại diện Tổng Cục cho biết thêm.