Người dân Hà Nội hiện đang đối mặt với thực trạng tắc đường ngày càng trầm trọng. Nghịch lý ở chỗ dù xây đường mới, nới đường cũ thì tắc vẫn cứ hoàn tắc. Trong dòng người và xe tắc nghẽn vào giờ cao điểm, nếu cùng một điểm đến cách đây 10 năm dịch chuyển từ 15-20 phút, thì nay phải mất khoảng 45 phút, hay chỉ đi 14 km bằng xe ô tô mà tiêu hao tới 35 lít xăng...
Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm và tại TP HCM là khoảng 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, môi trường đầu tư, hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải và các vấn đề phát triển xã hội khác đều bị ảnh hưởng. Giới chuyên gia nhận định, “tắc nghẽn” giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương trên cả nước.
Cũng trong thời gian qua, đã có hàng loạt đề xuất nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông nội đô tại các TP lớn. Đáng chú ý, giải pháp thu phí ô tô nội đô được cho là sẽ triển khai tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu giao thông cho biết, việc thu phí đối với ô tô đi vào nội đô tại thời điểm này là chưa hợp lý vì phương tiện giao thông công cộng đang rất yếu kém, mới đáp ứng được 10% - 12% nhu cầu đi lại của người dân, gần 90% người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại. Do đó nếu tiến hành thu phí, người dân phải gánh thêm chi phí cho nhu cầu đi lại trong nội đô.
Cũng có ý kiến cho rằng, đây là giải pháp không khả thi, thậm chí sẽ khiến giao thông càng trở nên hỗn loạn. Ở đây dường như đang có sự bế tắc trong công tác quản lý giao thông để giải quyết “vấn nạn” ùn tắc của 2 thành phố lớn.
Thực tế vấn đề thu phí xe cơ giới vào nội đô được đưa ra nhiều lần và nhiều lần dừng lại. Đề xuất thu phí đối với phương tiện đi vào trung tâm Hà Nội và TP HCM đang đặt ra câu hỏi, tại sao người dân lại phải đóng thêm phí trong khi đã đóng rất nhiều các loại thuế, phí khác liên quan đến ô tô như thuế nhập khẩu ô tô, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, đăng kiểm, phí giao thông đường bộ, phí cầu đường?
Vẫn biết, chủ trương thu phí ô ô nội đô được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước phát triển. Nhưng cần nhận thấy đó là các nước đã có hệ thống giao thông công cộng phát triển và đồng bộ, người dân có nhiều lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp với nhu cầu và thu nhập. Ngược lại tại Hà Nội và TP HCM hiện nay, hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng còn nhiều bất cập. Do đó, nếu chưa xác định được nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông và có các giải pháp triệt để thì việc thu phí liệu có thực sự khả thi hay chỉ là giải pháp tình thế, rồi tiếp tục nảy sinh nhiều hệ lụy?